Tấm gương phụ nữ dân tộc Mông mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ cách làm vươn lên thoát nghèo

 

BXĐT- Với mong muốn vươn lên thoát nghèo, chị Dừ Thị Lầu hội viên phụ nữ thôn Tả Phìn, xã Dền Thàng đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư sản xuất. Nhờ nỗ lực, đến nay gia đình chị đã thoạt nghèo, vươn lên làm giàu. Không những thế, chị còn hướng dẫn, hỗ trợ các hội viên khác trên địa bàn.

anh tin bai

Chị Lầu với sản phẩm thêu hoa văn của gia đình

    Là người con của dân tộc Mông, chị Dừ Thị Lầu từ nhỏ đã được làm quen với cây lanh, học cách trồng lanh, được bà và mẹ dạy lại những kỹ thuật cơ bản của nghề dệt thổ cẩm như thêu hoa văn, vẽ sáp ong, chắp vải. Chị chia sẻ: “Để may một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ H’Mông cần rất nhiều thời gian và công sức. Lâu nhất là khâu cắt vải, khâu thành những hình họa tiết trang trí cho bộ trang phục. Người phụ nữ phải khéo tay và kiên trì mới khâu đẹp được. Thông thường một bộ trang phục phải mất từ 2-3 tháng mới có thể hoàn thiện, với những bộ cầu kỳ để dành đi lễ, đi hội thì phải cần đến 5 tháng mới có thể làm xong. Từ khâu dệt vải lanh, nhuộm vải, cắt may, khâu, thêu họa tiết đều được làm thủ công nên giá trị của sản phẩm vì thế có giá thành cao”. Cũng bởi sự trau chuốt, kỳ công trong từng công đoạn nên đôi bàn tay của những người phụ nữ Mông vô cùng khéo léo, được ví như những nghệ sĩ của những khung vải. 

    Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nét truyền thống của nghề dệt lanh, nhất là công đoạn vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của người Mông đang dần bị mai một. Đồng bào Mông không còn dành nhiều thời gian cho việc may vá, mà đã chuyển sang dùng nhiều quần áo may sẵn hoặc chọn mua những loại vải có chất liệu rẻ tiền cắt sẵn để may. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, năm 2014 Chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hành chính sách xã hội để đầu tư mua 01 chiếc máy xếp ly váy Hmông với số tiền 250 triệu đồng, cùng với kinh nghiệm của mình chị không ngừng học hỏi kiến thức cùng với sự chăm chỉ siêng năng, với việc may trang phục nam, nữ dân tộc Hmông bán kiếm lời. Hàng năm chị may được hàng nghìn bộ quần áo Hmông bán với thu nhập trên 200 triệu đồng/1 năm.

     Nhằm không ngừng cải thiện mẫu mã sản phẩm năm 2022 chị Lầu tiếp tục đầu tư vốn mua thêm 01 chiếc máy thiêu hoa văn với số tiền là 350 triệu đồng về phục vụ khách hàng, thêu dệt hoa văn theo yêu cầu của khách. Bước đầu máy thêu hoa văn đi vào hoạt động tương đối tốt, năm 2022 số lượng hoa văn thêu bán được khoảng trên 50 triệu đồng. Với tinh thần lá lành đùm lá rách bản thân chị Lầu cũng như nhiều chị em khác trong chi hội phụ nữ thôn Tả Phìn luôn quan tâm giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn như: giúp đỡ bằng tiền mặt, các hiện vật và ngày công lao động, kinh nghiệm làm ăn. Hiện nay  cơ sở của chị còn tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 hội viên phụ nữ. 

    Với phương châm giỏi một việc, biết nhiều việc; chuyên tâm; tận lực; làm việc khoa học có nguyên tắc bên cạnh việc may quần áo dân tộc Hmông, chị Dừ Thị Lầu còn đầu tư thêm 2 máy xay xát đặt tại thôn Dền Thàng 1 và thôn Sín Chải, phục vụ xay xát thóc, nghiền ngô cho Nhân dân.  Bên cạnh đó chị còn đầu tư nấu rượu, tận dụng bã rượu để nuôi lợn  mỗi năm từ nguồn thu này cũng cho gia đình trên 200 triệu đồng.

     Cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc, chị Dừ Thị Lầu là tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào "Phụ nữ Dền Thàng tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan". 

 
Đức Tiến Trung tâm VH,TT-TT Bát Xát

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1