Độc đáo Tết cơm mới của người Dao đỏ Bát Xát

BXĐT- Theo truyền thống, trong năm người Dao đỏ huyện Bát Xát nói chung, người Dao đỏ xã Bản Xèo nói riêng thường tổ chức nghi lễ cúng thần Nông nghiệp vào dịp thu hoạch vụ mùa. Đó là khi những thửa ruộng bậc thang ngả sắc vàng, bông lúa uốn câu, chắc hạt, người Dao đỏ lại làm lễ tết cơm mới để tạ ơn các vị thần, ông bà tổ tiên. Đây là tín ngưỡng thể hiện sự trân quý hồn lúa, đề cao vị thần Nông và cầu cho mùa vụ năm sau được bội thu, no ấm. 

anh tin bai

Rước hồn lúa về nhà

Đối với người Dao đỏ, việc chọn ngày tốt để tổ chức lễ tết cơm mới có sự khác biệt riêng với từng dòng họ, nhưng họ thường chọn các ngày Thìn hoặc ngày Tỵ âm lịch. Theo quan niệm, đây là hai ngày tốt, may mắn, mọi việc đều thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Ngày đi gặt lúa và rước hồn lúa về nhà làm lễ cơm mới của người Dao đỏ có tục hèm, đó là bà chủ nhà gặp ai chào cũng không trả lời mà đi thẳng ra ruộng lúa. Đến nơi, bà hát ngâm đôi câu thơ cổ gọi hồn lúa về với gia đình, cảm ơn thần đã bảo vệ cây lúa trổ bông tươi tốt và xin rước hồn lúa về nhà. Sau đó họ dùng nhíp ngắt từng bông lúa to, có hạt mẩy nhất, bó gọn và gánh về nhà. Hái cum lúa dùng cho nghi lễ phải hái cả bông và lá lúa, có như vậy hồn lúa mới hài lòng. Trên đường gánh cum lúa về nhà, họ hái một nắm hoa ở ven đường cài lên cum lúa như một hình thức cầu ước sang năm mùa vụ đơm hoa kết trái, cho quả ngọt.

anh tin bai

Đón hồn lúa vào nhà

Về đến nhà, vợ chồng chủ nhà thực hiện nghi thức đón rước hồn lúa bằng cách chuẩn bị một bát rượu để cảm ơn người đi rước hồn lúa về. Cum lúa từ lúc gặt xong được gánh trên vai cho đến khi treo lên vách, chỗ gian thờ - không gian thiêng của gia đình, tuyệt đối không được đặt xuống đất. Nghi thức rước hồn lúa qua cửa vào nhà được thầy cúng đứng ra làm lý, hát đôi câu hát để mời vị thần lúa, hồn lúa vào trong nhà. Khi trao hồn lúa về với chủ nhà, bà chủ thực hiện nghi thức treo cum lúa thiêng lên gian thờ, ông chủ nhà cảm ơn người đi hái lúa bằng bát rượu. Tiếp đến, một vài bông lúa được đặt vào nồi cơm để nấu chín, dâng lên mâm lễ, một vài bông thì được treo cùng với giấy bản để làm nghi lễ cúng các vị thần, cúng tổ tiên.
Ông Tẩn Duần Phú, Thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo - Bát Xát cho biết: “Hằng năm cứ vào mùa gặt lúa đồng bào người Dao đỏ chúng tôi có truyền thống ăn cơm mới với ý nghĩa tạ ơn trời đất mưa thuận gió hòa; cầu xin thần linh, thổ địa ông bà tổ tiên phù hộ cho cho những năm sau có mùa vụ bội thu, con cháu gia đình mạnh khỏe, bình an. Chúng tôi thường xuyên dạy bảo con cháu tiếp thu học tập tập để để lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp này”.


 

anh tin bai

Cum lúa được treo ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà

Nghi lễ rước hồn lúa là nghi lễ thiêng được thực hiện trong những thời khắc thiêng: Giờ tốt, tháng lành, ngày tốt đối với gia đình. Người thực hiện cũng phải tuân thủ những lý lẽ thiêng, luôn cầu cho cây lúa và các loại cây nông nghiệp cho bông chắc, hạt mẩy, to, dài. Đặc biệt, trong nghi lễ rước hồn lúa, người Dao đỏ có những bài hát, bài cúng được thể hiện bằng các cặp câu thơ 7 chữ, vừa ngâm vừa hát rất ý nghĩa và sâu sắc. 
Sau khi hoàn thành lễ cúng tổ tiên, người Dao lấy một ít thức ăn mang cho gia súc, gia cầm ăn trước. Điều này thể hiện lòng biết ơn tới các con vật nuôi, mong cho chúng luôn khỏe mạnh, bảo vệ gia đình, mùa màng tươi tốt. Còn mâm cúng được gia đình dọn xuống, cùng 1 - 2 mâm cơm được chuẩn bị sẵn để các thành viên trong gia đình quây quần ăn uống vui vẻ, chúc cho nhau sức khỏe, bình an, mùa màng tốt tươi. Đồng thời, đây còn là dịp giáo dục cho các thế hệ trẻ hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc để gìn giữ, phát huy. 
Anh Tẩn Láo Tả, thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo - Bát Xát chia sẻ: “Hàng năm vẫn thấy ông bà, cha mẹ tổ chức ăn cơm mới và được truyền dạy các nghi lễ thực hành truyền thống. Là người con của đồng bào dân tộc người Dao đỏ chúng em sẽ cố gắng học tập và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng bào người Dao đỏ” 

anh tin bai

Thực hành nghi lễ tín ngưỡng

Để bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã nhất là các lễ hội, nghi lễ của cộng đồng người Dao đỏ; cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; thường xuyên tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò của cộng đồng người Dao đỏ tham gia tích cực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; khơi dậy niềm tự hào, tnh thần đoàn kết thi đua lao động, sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
Đồng chí Phan Văn Lân, Bí thư Đảng ủy xã Bản Xèo cho biết: “Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, các Chi bộ tập trung lãnh đạo giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa để phát huy tinh thần đoàn kết trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã nói chung và cộng đồng người Dao đỏ nói riêng. Đồng thời tạo khí thế thi đua sôi nổi hăng hái thi đua lao động,  sản xuất, góp phần vào phát triển kinh tế  - xã hội của địa phương.

anh tin bai

Truyền dạy nghi lễ truyền thống cho thế hệ trẻ

Tết cơm mới của người Dao đỏ Bát Xát tuy mang tính chất gia đình nhưng có giá trị nhân văn giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, dạy con cháu phải biết tôn trọng và bảo vệ tự nhiên. Đây là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người dân nơi đây, vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc, vừa mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống cần dược bảo tồn, phát huy.


Quang Phấn

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1