Hội phụ nữ huyện Bát Xát đẩy mạnh vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những chương trình, nhiệm vụ trọng tâm công tác của hội phụ nữ Bát Xát . Từ chương trình hỗ trợ của hội và sự nỗ lực vươn lên của phụ nữ trong huyện, đến nay nhiều hộ phụ nữ đã thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thời gian qua Hội LHPN huyện Bát Xát xác định, trước hết phải hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện. Để chương trình triển khai hiệu quả, bám sát chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Lào  Cai, các cơ sở hội đã tăng cường rà soát số hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tìm hiểu nhu cầu thực tế ở mỗi địa phương, từ đó vận động phụ nữ triển khai với những cách làm phù hợp. Các cấp hội phụ nữ trong huyện đã tranh thủ vận động và kết nối nguồn lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; dạy nghề, tạo việc làm. Đặc biệt, hội chú trọng mở các lớp đào tạo, tín chấp nhận uỷ thác nguồn vốn, vận động xây dựng nguồn vốn tại chỗ; tổ chức hội thảo, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm...
Hội LHPN huyện Bát Xát đã cụ thể hóa các phong trào của hội, như: Duy trì và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng kế hoạch hoạt động các mô hình tổ, nhóm phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh; duy trì mô hình phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa tại xã Phìn Ngan, Mường Hum, Trịnh Tường; 2 mô hình tổ liên kết sản xuất kinh doanh tại xã Bản Qua, Nậm Chạc với 30 thành viên tham gia; các hoạt động giúp đỡ hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, các cơ sở Hội đăng kí giúp đỡ 23 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: Giúp ngày công lao động, vay vốn không lấy lãi, giúp cây, con giống...Qua đó đã giúp đỡ 28 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với gần 50 triệu đồng tiền mặt, 129 ngày công, 32 con giống. 

Bám sát đặc thù địa bàn, các cấp hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, ở mỗi cơ sở, hội đều phân công cán bộ hội phụ trách địa bàn để kịp thời nắm bắt, định hướng và triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp. Với cách tuyên truyền, vận động bền bỉ, dễ hiểu, dễ nhớ, chị em đã ngày càng chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhiều chị từ thiếu kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, nay đã chủ động học tập để có kiến thức áp dụng vào thực tế; nhiều chị từ chỗ thiếu vốn làm ăn, nay đã chủ động hơn trong việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng để đầu tư mở rộng các mô hình.
Cũng từ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhiều phụ nữ đã dần loại bỏ cách thức canh tác, sản xuất lạc hậu, tích cực ứng dụng tiến bộ của khoa học vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chủ động xây dựng mô hình kinh tế gia đình gắn với định hướng “mỗi địa phương một sản phẩm”. Đến nay, nhiều mô hình được chị em tích cực nhân rộng ở mỗi địa bàn, như:  Chương trình phụ nữ khởi nghiệp tại các xã Thị Trấn, Quang Kim, Bản Vược, Trịnh Tường, Bản Xèo, Mường Hum; vận động hội viên, phụ nữ duy trì nhóm "May thêu thổ cẩm" tại xã Y Tý để thêu may các sản phẩm dạng túi đeo.Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp đảm bảo khung thời vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng rau an toàn, chè, đương quy, lê tai nung, chăn nuôi ngựa, thuỷ sản... tại các xã như Quang Kim, Cốc San, Pa Cheo, Mường Hum, Nậm Pung, Sảng Ma Sáo... tăng nguồn thu nhập cho gia đình góp phần giảm nghèo bền vững. 

Ra mắt tổ tư vấn cộng đồng và tổ may thêu xã Y Tý huyện Bát Xát
Hội LHPN các cấp của huyện Bát Xát tiếp tục vận động thực hiện tiết kiệm tại chi hội với các mô hình như mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm, bao thóc vàng, góp gạo tiết kiệm... với số tiền 32,6 triệu đồng, Nâng tổng số vốn toàn huyện lên gần 580 triệu đồng, tạo nguồn vốn tại chỗ để hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, đã giúp 28 chị có hoàn cảnh khó khăn vay. 
Các cấp Hội đã triển khai trực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động phụ nữ và cộng đồng dân cư thực hiện các hình thức bảo vệ môi trường tại gia đình. Chỉ đạo Hội phụ nữ Thị Trấn tổ chức tuyên truyền triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho 150 hội viên phụ nữ trên địa bàn thị trấn; Tuyên truyền thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm được 12 cuộc với 1160 lượt chị em tham gia. Duy trì 03 mô hình tổ phụ nữ bảo vệ môi trường tại thôn bầu bàng - xã Cốc Mỳ với 60 thành viên tham gia; mô hình tổ phụ nữ bảo vệ môi trường tại thôn Khu Chu Phìn với 20 thành viên tham gia...v.v..

Hội viên Phụ nữ thôn Làng Pẳn 1 xã Quang Kim tham gia vệ sinh môi trường nông thôn
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm hộ nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Hội LHPN huyện tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng mô hình thực hiện xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt quan tâm thực hiện nội dung 3 sạch ở các xã vùng cao, đồng thời phát triển nguồn quỹ tiết kiệm tại chỗ và tổ chức các hoạt động vận động, hỗ trợ chị em phụ nữ giảm thoát nghèo một cách bền vững.
Lưu Liên


 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1