Đảng bộ huyện Bát Xát 70 năm tự hào và phát triển
     

Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Bát Xát (10/101949-10/10/2019), đồng chí Giàng Thị Dung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện có bài viết nhan đề: Đảng bộ huyện Bát Xát 70 năm tự hào và phát triển, Cổng Thông tin điện tử Huyện ủy Bát Xát xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 70 năm qua, với biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, song dù ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng bộ huyện Bát Xát vẫn luôn kiên định, vững vàng, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong huyện một lòng tin yêu Đảng anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, đoàn kết sáng tạo, chung sức, đồng lòng xây dựng Bát Xát ngày càng giầu đẹp, phấn đấu là huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai.


                                                                                                       Các đại biểu huyện Bát Xát dự buổi Gặp mặt                                                     
kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng CSVN               
                                     

                                                                                            Đ/c Giàng Thị Dung: UVBCH Tỉnh ủy, Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện 
  phát biểu chúc mừng nhân Gặp mặt kỷ niệm 89 năm thành lập ĐCSVN

Bát Xát - Vùng đất đầu nguồn, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt - Một vùng đất anh Hùng và giầu truyền thống cách mạng. Thiên nhiên đã ban tặng cho Bát Xát nhiều tiềm năng và lợi thế- là vùng đất có nhiều khoáng sản như Apatit, đồng, sắt...; hệ thống sông suối của huyện đã bồi đắp phù sa cho những cánh đồng lúa Mường Vi, Quang Kim, Bản Qua và góp phần phát triển các nhà máy thủy điện. Được thiên nhiên ưu đãi, Bát Xát đang là điểm đến của nhiều du khách với thắng cảnh như ruộng bậc thang Thề Pả, Sảng Ma Sáo, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Y Tý với đỉnh Ky Quan San, Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San... và những bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Giáy.... Cùng với đó, với lợi thế về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong phát triển hợp tác kinh tế với huyện Hà Khẩu, Kim Bình tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Những điều đó đã tạo nên một diện mạo mới của Bát Xát hôm nay.

Cách đây 70 năm, ngày 10/10/1949, Tỉnh uỷ Lào Cai cử tổ công tác gồm 3 đồng chí do đồng chí Phạm Cao Sáng làm đội trưởng vào hoạt động tại địa bàn Bát Xát – Sự kiện này là mốc đánh dấu cho sự ra đời của Đảng bộ huyện Bát Xát. Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, bằng chính sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, cùng sự chi viện của Trung ương và tỉnh, Đảng bộ huyện Bát Xát đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong huyện anh dũng chiến đấu, giải phóng quê hương vào ngày 4/11/1950, chấm dứt 64 năm đô hộ của chế độ thực dân ở Lào Cai nói chung và Bát Xát nói riêng.

Mặc dù đã giải phóng nhưng trong thời gian này bọn thổ phỉ vẫn không ngừng phá hoại thành quả cách mạng, quấy nhiễu đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tiếp tục thực hiện trừ gian tiễu phỉ, từ 1950 đến 1955, ta đã truy quét, gọi hàng trên 1000 tên phỉ. Cùng với đó huyện Bát Xát tập trung xây dựng, củng cố các xã, xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương, thành lập các hội quần chúng, tổ chức Đảng được phát triển đến tất cả các xã, lực lượng vũ trang của huyện được hình thành.

Trong 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Miền Nam Việt Nam; Đảng bộ và Nhân dân Bát Xát đã cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiều cuộc vận động lớn, điển hình là Cuộc vận động khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh…; Bát Xát đã đón nhận hàng nghìn đồng bào ở miền xuôi lên xây dựng phát triển kinh tế miền núi, nhiều phong trào thi đua được phát động như phong trào xây dựng chi bộ "4 tốt", chính quyền "5 tốt", phát triển nông thôn nông nghiệp theo hướng "7 cây, 4 con, 3 cây rừng" cùng với nhiệm vụ lao động sản xuất để xây dựng quê hương, đã có nhiều con em các dân tộc Bát Xát hăng hái lên đường, tham gia chiến đấu tại chiến trường Miền Nam, trong số ấy, đã có nhiều người không trở về, họ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc

 Sau khi đất nước thống nhất, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển kinh tế, cải tạo tập tục lạc hậu, phát triển giáo dục vùng cao, phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ ở các thôn bản. Khi chiến tranh biên giới 1979, Bát Xát là địa phương chịu hậu quả trực tiếp và nặng nề, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân, lực lượng vũ trang phối hợp với quân chủ lực, chiến đấu quyết liệt, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Ngay sau chiến tranh, Đảng bộ đã vận động Nhân dân bắt tay vào khôi phục sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Ngay sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập (1991) Huyện Bát Xát chuyển từ Bản Xèo về Bản Qua, tiến hành thành lập thị trấn Bát Xát và xây dựng Trung tâm hành chính mới của huyện, sau 25 năm (1991- 2015) đã ghi dấu bao nhiêu đổi thay trên quê hương Bát Xát, năm 1994 điện bắt đầu đến với Nhân dân, đường xá được mở mới, sửa chữa và nâng cấp, trường lớp học, trạm Y tế, trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng, mức sống của người dân được nâng lên, đặc biệt từ khi thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Bát Xát đã có sự thay đổi từng ngày, xã Quang Kim của Huyện là xã đầu tiên của tỉnh đạt Chuẩn quốc gia về NTM, công tác giáo dục, đào tạo chuyển biến mạnh mẽ,  năm 1992, tỷ lệ trẻ em đến trường đạt 52 % đến 2015 đã tăng lên 99 %, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được thực hiện tốt, phát triển du lịch là một nhiệm vụ mới; quốc phòng an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại được củng cố và tăng cường, góp phần tích cực vào giữ vững ổn định chính trị, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị và phát triển. Công tác kết nạp Đảng viên, củng cố chi bộ được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, năm 2005, Huyện đã xóa thôn bản chưa có Đảng viên, từ 727 đảng viên năm 1991 đã tăng lên 3.189 đảng viên, từ 45 chi bộ thành 59 chi đảng bộ trực thuộc, 345 chi bộ trực thuộc cơ sở, 100% thôn bản có chi bộ độc lập, công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ được huyện quan tâm, đến 2015, 100% cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện có trình độ Đại học; 80,5% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn 3 tiêu chí theo quy định của Bộ nội vụ, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 61,4%...

70 năm qua là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện bền bỉ của các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các lực lượng vũ trang Bát Xát. Quá trình đó đã hun đúc nên truyền thống cách mạng kiên cường và để lại cho thế hệ hậu sinh những bài học quý giá. Trong đó bài học có tính quyết định nhất đó sự kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; Sự năng động, sáng tạo trong mỗi chủ trương, chính sách ở địa phương; Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt tinh thần đoàn kết trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành là nền tảng vững chắc quyết định thành công của toàn Đảng bộ trong suốt 22 kỳ Đại  Hội.

Tiếp nối những thành tích đã đạt được, tại Đại hội lần thứ XXII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đến 2020 "Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng Nông thôn mới là trọng tâm, phát triển thương mại dịch vụ là đột phá, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là quan trọng, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, lấy văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu động lực để phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...đưa Bát Xát sớm trở thành huyện phát triển của Tỉnh Lào Cai"



  Đồng chí Đặng Xuân Phong - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình trồng Tỏi tại thôn Phìn Hồ xã Y Tý

Một trong những cách làm có tính quyết định đến thành công trong mỗi bước đi của Ban Chấp hành Đảng bộ Bát Xát khóa XXII, đó là ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ, Ban chấp hành đã xây dựng chương trình hành động; Hoạch định chiến lược cho cả giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2030; Xác định rõ lộ trình, bước đi thích hợp và mục tiêu phấn đấu cho từng năm. Đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XXII, bằng 5 chương trình, 12 đề án phát triển kinh tế xã hội giai đoạn (2016 – 2020) và 8 kế hoạch trọng tâm; Lựa chọn phần việc, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá để chỉ đạo, thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở. Hàng năm Bát Xát đã bố trí các nguồn kinh phí đề thực hiện 12 đề án theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ và toàn diện trong hệ thống chính trị.



                                                  Đoàn cán bộ của huyện Bát Xát thăm mô hình kinh tế của tỉnh Sơn La

Kinh tế xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân được ổn định và từng bước nâng lên; hết năm 2019 có 23/26 chỉ tiêu nghị quyết đạt từ 100% trở lên, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng cao hơn so với bình quân của tỉnh, 03 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân trên địa bàn huyện đạt 14,7%/năm. Kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất có giá trị kinh tế như: Cá nước lạnh, rau an toàn, rau trái vụ khu vực Ý Tý, Cốc San, Quang Kim… tổng sản lượng lương thực và giá trị trên đơn vị canh tác đều tăng so với 2015; hệ số sử dụng đất tăng 1,4 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm, tăng 11,1 triệu đồng so với năm 2015; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được coi là điểm sáng, đến hết nhiệm kỳ, Bát Xát có 9 xã Nông thôn mới. 



Đ/c Nguyễn Văn Vịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy trao Bằng công nhận xã NTM và Cờ thi đua cho xã Bản Xèo.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhiều sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường. Khôi phục các làng nghề truyền thống, 20 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của Huyện nổi tiếng trên thị trường: Rượu shim san, San lùng, chè, thêu may thổ cẩm, miến đao, chạm bạc..., Nhiều dự án lớn của Trung ương, tỉnh …được triển khai xây dựng trên địa bàn: Thủy điện, khoáng sản, khu vui chơi giải trí, nhà máy luyện đồng, …không chỉ tạo ra việc làm cho lao động địa phương mà còn đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước. Hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay có 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm, 201 thôn có đường ô tô đến thôn, 95,8% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố đạt 101%  nục tiêu Nghị quyết. 100% các xã, thị trấn có điểm điện thoại di động và Internet.

Điểm nhấn trong phát triển kinh tế nhiệm kỳ này, đó là sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực du lịch. Bát Xát có thêm 03 di sản văn hóa phi vật thể được công nhân cấp Quốc gia, Lễ hội khô già già, thung lũng Thề Pả; Di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu – Trịnh Tường; khai thác và quản lý tốt 5 điểm du lịch, đề nghị công nhận và đưa vào khai thác 03 điểm du lịch (núi Lảo thẩn – Ý Tý, đỉnh Ky quan san – Sàng Ma Sáo, Cột cờ Lũng Pô – A Mú Sung). Huyện được đón và làm việc với nhiều đoàn nghiên cứu khoa học, nhiều đoàn làm phim; đã tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội cấp huyện, cấp tỉnh. Do đó các đề án phát triển du lịch đều đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra, đến tháng 6 năm 2019 huyện Bát Xát đã đón hơn 90.000 lượt khách du lịch.

Chất lượng giáo dục được nâng lên xếp loại khá của tỉnh, hệ thống trường lớp được quy hoạch, sắp xếp hợp lý là điển hình trong quy hoạch mạng lưới trường lớp học, mô hình giáo dục trường học mới được coi là điểm sáng: mô hình trường học gắn với du lịch, trường học gắn với nông nghiệp…. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Lao động việc làm, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6,64%/năm, đạt 166% mục tiêu Nghị quyết.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại được quan tâm, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội. Quan hệ đối ngoại giữa huyện Bát Xát với huyện Hà Khẩu, Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được nâng lên tầm cao mới, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Đi đôi với phát triển kinh tế xã hội, Đảng bộ huyện Bát Xát đã coi trọng công tác xây dựng Đảng. Trong đó công tác cán bộ được coi là then chốt. Bát Xát đã tăng cường  công tác tinh gọn đầu mối cơ quan theo đúng quy định; Sáp nhập thôn tổ dân phố từ 246 xuống 201 thôn, tổ dân phố; Tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở thông qua việc điều động, bổ nhiệm và đưa cán bộ từ huyện - xuống xã, từ xã sang xã và từ xã về huyện. Hiện tại 72,1% cán bộ chủ chốt ở cơ sở có trình độ Đại học; 61,2% công chức xã có chuyên môn Đại học. Công tác cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu được quan tâm. Bát Xát là huyện có tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện đứng đầu so với toàn tỉnh.

Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố kiện toàn theo hướng vững mạnh toàn diện. Từ chỗ chỉ có 3 đảng viên ( năm 1947), năm 1961 lên 7 cơ sở Đảng với 33 đảng viên, đến nay toàn huyện đã có 61 tổ chức cơ sở Đảng với 4.093  đảng viên; 23 xã, thị trấn đều có Đảng bộ; 143/201 thôn, tổ dân phố có Chi ủy, đủ sức lãnh đạo Nhân dân địa phương. Vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp uỷ chính quyền địa phương đã được nâng lên; Đội ngũ cán bộ công chức xã đã phát huy được vai trò tham mưu, chủ động hơn trong nhiệm vụ được giao. Hàng năm có trên 80% số Chi, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có cơ sở trung bình. Nhiều năm liền Đảng bộ huyện được công nhận “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

Ghi nhận những thành tựu của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát, Đảng, nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Thời kỳ chống pháp và tiễu phỉ); Huân chương lao động hạng 3 (năm 2003), huân chương lao động hạng nhì ( Năm 2009) và Huân chương lao động hạng nhất (Năm 2014).



Đ/c Đặng Xuân Phong –Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra quy hoạch Trung tâm hành chính mới của huyện Bát Xát

Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành, với những dấu ấn về ý trí, nghị lực, lòng dũng cảm, sự năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện. Đảng bộ huyện Bát Xát đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXII đã đề ra, tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai thứ XVI. Trước những thời cơ và thách thức trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Bát Xát quyết tâm hướng tới mục tiêu "xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là then chốt, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế xã hội, du lịch là đột phá, xây dựng quốc phòng an ninh,đối ngoại là trọng yếu, phấn đấu đến 2025 Bát Xát trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai".

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         G.T.D  

 

 

 Tác giả: Giàng Thị Dung- UVBCH Tỉnh ủy, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện
Giàng Thị Dung- UVBCH Tỉnh ủy, Bí Thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1