05/10/2024
VĂN HÓA - XÃ HỘI, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
BXĐT - Cùng với phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho Nhân dân, những năm qua huyện Bát Xát đã chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa - xã hội, tạo động lực cho địa phương phát triển bền vững.
Với quan điểm phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, những năm qua huyện Bát Xát đã tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện, tạo điểm nhấn riêng có của địa phương. Quan điểm trên được thể hiện rõ khi văn hóa - xã hội là một nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được Đảng bộ huyện Bát Xát tập trung các giải pháp chỉ đạo thực hiện, đó là tập trung thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm, trường học tạm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Đặc thù là một huyện biên giới, vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, vì vậy công tác giáo dục nâng cao trình độ toàn dân, nhất là thế hệ trẻ luôn được huyện Bát Xát quan tâm hàng đầu. Huyện đã cụ thể hoá các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các khoá XXI, XXII, XXIII và các đề án, chương trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện: Đề án “Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nâng cao tỷ lệ người tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), xây dựng trường học chuẩn Quốc gia giai đoạn 2011-2015”, “Huy động và duy trì số lượng học sinh Trung học cơ sở (THCS), THPT, giai đoạn 2016 - 2020”, Đề án số 05-ĐA/HU ngày 5/1/2016 về “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020”; Đề án số 04-ĐA/HU ngày 1/12/2020 về “Nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn huyện Bát Xát, giai đoạn 2020 - 2025”,… Đồng thời dành nhiều nguồn lực đầu tư hệ thống trường lớp, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giáo viên đầy đủ, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Trên cơ sở đó, huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp Nhân dân; đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo,…
Lãnh đạo huyện trao bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 tại xã Tòng Sành
Những chính sách lớn được triển khai hiệu quả đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện; quy mô mạng lưới trường, lớp học tiếp tục phát triển ổn định ở tất cả các cấp học; cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư; công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đẩy mạnh, duy trì vững chắc kết quả ở 21/21 xã, thị trấn. Toàn huyện đã có 45/61 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ở các cấp học ổn định, nhất là cấp THCS và THPT tỷ lệ chuyên cần đạt trên 97%; chất lượng mũi nhọn tiếp tục được duy trì và tăng về số lượng, chất lượng. Trong 10 năm qua, toàn huyện Bát Xát có 234 học sinh THCS và THPT đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 3 học sinh đạt giải cấp quốc gia; trên 28% học sinh tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học chính quy. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục được đào tạo chuẩn theo quy định, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác giáo dục ngày càng đổi mới hiệu quả; môi trường học tập thực sự an toàn, thu hút học sinh tích cực học tập; công tác xã hội hoá giáo dục ngày càng mở rộng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển sự nghiệp giáo dục nói riêng và phát triển văn hóa, xã hội của huyện nói chung.
Công tác an sinh xã hội đã thực sự tạo được điểm nhấn với cách làm riêng của huyện. Nhiều năm liền, huyện Bát Xát là địa phương duy nhất thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho 100% hộ dân trong huyện tổ chức ngày hội Tết cổ truyền dân tộc tại khu dân cư. Quan trọng hơn, việc tổ chức cho người dân các thôn ăn tết chung là một trong những cách làm mới để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, gia cố thêm tinh thần cố kết cộng đồng. Đó là giá trị đặc biệt được huyện Bát Xát cụ thể hóa bằng cách làm mới chưa có tiền lệ, thể hiện rõ sự sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời thực hiện chi trả đầy đủ chế độ chính sách cho người có công, thân nhân người có công, quân nhân, đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện đảm bảo quỹ đền ơn đáp nghĩa hằng năm; quan tâm hỗ trợ hộ có nguy cơ thiếu lương thực trong dịp Tết Nguyên đán, điều tiết các nguồn hỗ trợ cho nhân dân đảm bảo mọi người dân đều có điều kiện đón tết.
Điểm nổi bật khác trong công tác giải quyết việc làm, không để lao động địa phương ngồi chờ các công ty, doanh nghiệp đến tuyển, mà huyện đã chủ động kêu gọi, giới thiệu, đến làm việc, liên kết, ký kết hợp tác trong việc giải quyết việc làm. Trên cơ sở đó, huyện mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, có địa chỉ, vì vậy lao động sau khi học xong tỷ lệ có việc làm cao. Nói cách khác, huyện Bát Xát đã chủ động mang lao động đến gần các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có nhu cầu tuyển lao động. Số lao động được giải quyết việc làm tăng cao, cùng với triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND huyện thăm quan và làm việc tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam
Công tác giảm nghèo được huyện thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao với nhiều giải pháp như: Triển khai cuộc vận động mỗi đảng viên, cán bộ công chức, viên chức giúp đỡ một hộ nghèo thoát nghèo bền vững (69 cơ quan, đơn vị đã phụ trách, giúp đỡ 1.076 hộ); triển khai tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025… do đó, đến hết năm 2023 tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 7,58%/năm, đạt 189% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, số hộ nghèo còn lại toàn huyện 5.326 hộ, chiếm tỷ lệ 30,3%. Đặc biệt, đối với xã Pa Cheo và Dền Thàng là 2 trong số 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo nhất tỉnh, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đều đạt trên 11,8%/năm.
Trong những năm qua, lĩnh vực y tế tiếp tục có nhiều đổi mới, phát triển. Đến nay, mạng lưới y tế tiếp tục được tăng cường về cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và đội ngũ cán bộ được đào tào nâng cao trình độ về chuyên môn đảm bảo ngày càng tốt hơn. Các chế độ, chính sách cho người nghèo về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế được đảm bảo đầy đủ; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ khám chữa bệnh bình quân hàng năm đạt 2,5 lượt/người/năm; hiệu suất sử dụng giường bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện đều đạt trên 100%, góp phần nâng cao sức khoẻ cho Nhân dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 96,3%; bình quân có 39,3 cán bộ y tế/vạn dân, số lượng bác sỹ đạt 7,1 bác sỹ/vạn dân, đạt 94,7% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025; 100% trạm Y tế có Y sỹ đa khoa và nữ hộ sinh, giường bệnh đạt tỷ lệ 24,1 giường bệnh/vạn dân. Công tác duy trì và nâng cao chất lượng xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế được quan tâm, đến hết năm 2022 tất cả các xã đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế. Các đợt tiêm chủng, đặc biệt tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt tỷ lệ cao; trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, các năm đều đạt hơn 96%. Công tác cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi được triển khai thường xuyên, liên tục, mang lại nhiều tín hiệu vui, giúp cải thiện đáng kể sức khỏe cho trẻ em.
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch được xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá, tạo động lực cho sự phát triển. Trong đó phát triển du lịch được gắn với yêu cầu với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và ngược lại, nhờ du lịch mà các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được thăng hoa, tỏa sáng, trường tồn trong điều kiện mới. Hàng năm, Huyện Bát Xát duy trì chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Giáy; Pút Tồng của dân tộc Dao; Khô Già Già của dân tộc Hà Nhì; Ngày hội văn hoá dân tộc Mông…; tổ chức khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đối với các nghệ nhân đang nắm giữ các tri thức dân gian. Tổ chức bảo tồn, trao truyền các giá trị truyền thống như: Dân ca, dân vũ, nghề truyền thống, tập quán tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc đến với thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức sinh động. Chuỗi hoạt động Lễ hội mùa Thu cũng đã ghi dấu thương hiệu là một trong những điểm nhấn, sản phẩm du lịch đặc sắc, quan trọng, góp phần quảng bá, giới thiệu tài nguyên du lịch của huyện Bát Xát đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ xã Tòng Sành
Công tác bảo tồn, phát huy các di sản, di tích văn hoá được đặc biệt quan tâm. Đến năm 2024 huyện có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 2 di tích lịch sử cấp tỉnh, 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được công nhận trực tiếp và cung cấp chất liệu, tư liệu cho hồ sơ đề nghị công nhận. Nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác như: kiến trúc đặc trưng và các lễ hội đặc sắc; văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng của từng dân tộc; các nghề thủ công truyền thống còn được lưu giữ và phát triển. Tất cả đã tạo nên sự riêng biệt, phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của người dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bát Xát. Tiêu biểu như Lễ cấp sắc của người Dao: Đây hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đa giá trị, là không gian sinh hoạt văn hóa điển hình được cộng đồng người Dao coi trọng. Lễ cấp sắc vừa là nơi thực hành các nghi lễ truyền thống, vừa là không gian diễn xướng của các loại hình văn hóa, nghệ thuật của người Dao. Nhiều loại hình nghệ thuật được tổ chức như: Nghệ thuật ngôn từ, các loại hình nhạc khí dân gian; thực hành các loại hình vũ đạo dân gian; nghệ thuật tạo hình và trang trí dân gian…đồng thời, đây là cơ hội thể hiện sự am hiểu trong việc sử dụng vốn từ Nôm - Dao trong các cuốn sách cổ…
Bên cạnh đó, huyện Bát Xát đã tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, hoạt động các thiết chế văn hóa; chỉ đạo rà soát nhà văn hoá, cơ sở vật chất văn hoá cơ sở trên địa bàn. Số hộ gia đình, thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá ngày càng tăng lên. Hằng năm, tỷ lệ gia đình, số thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa đều đạt trên 90%; bằng 100% so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXIII. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được triển khai hiệu quả, 100% các thôn, bản, tổ dân phố xây dựng thực hiện hương ước, quy ước. Nhân dân đoàn kết thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ những thủ tục lạc hậu, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư.
Có thể khẳng định lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện Bát Xát trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo thêm diện mạo mới, sức sống mới tươi vui từ vùng thấp đến các thôn bản vùng cao của huyện biên giới. Trước yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của xu thế toàn cầu hóa, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục được huyện Bát Xát quan tâm, thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Quan điểm và nhiệm vụ được xác định rõ ràng trên từng lĩnh vực phù hợp với thực tế của địa phương sẽ là cơ sở để triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch. Trước hết, cần tập trung đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là với khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Mặt khác, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ dân trí, trình độ phát triển giữa khu vực này với khu vực vùng thấp, đô thị. Quan tâm thực hiện đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Trước mắt là giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, đó là: Phấn đấu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4% trở lên (theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025); 7.500 lao động được tạo việc làm; 72% lao động qua đào tạo; 55% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 99,73% dân số tham gia bảo hiểm y tế; có 3% dân số được hưởng trợ giúp xã hội hằng tháng.
Từ sức lan toả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các di tích danh lam thắng cảnh, các tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập và tạo sinh kế mới cho người dân; mạng lưới thiết chế và phát triển phong trào văn hóa, thể dục, thể thao quần chúng tạo thêm nhiều sân chơi để người dân luyện tập, rèn luyện nâng cao sức khỏe.
Với những định hướng cụ thể và cách làm sáng tạo, động lực lĩnh vực văn hóa - xã hội đã thực sự là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp phát triển bền vững của huyện Bát Xát trong giai đoạn tới.
Bàn Thanh Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện
|
|
-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|