BXĐT - Trở lại Bát Xát vào một ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, lớp người nguyên là lãnh đạo huyện được gặp mặt, được nghe thông tin về những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội mà huyện nhà đã đạt được. Chúng tôi rất xúc động, vui mừng, phấn khởi và không khỏi bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khó trên vùng đất biên ải; giai đoạn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc vừa phải gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, vừa xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Kỷ niệm một thời không thể nào quên
Sau chiến tranh biên giới (1979), những vùng đất màu mỡ ở biên giới, trải dài từ xã Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ Trịnh Tường… là những xã có diện tích sản xuất lúa hai vụ và đất bãi ven sông. Hàng nghìn ha bị hoang hóa, cây cối, lau sậy mọc um tùm và vẫn còn đó những bãi mìn sót lại sau chiến tranh, dải đất có chiều rộng 1,5 km dọc biên giới trở thành “vùng trắng” chưa thể khôi phục được một sớm một chiều. Ở vùng cao, chủ yếu sản xuất một vụ lúa và một vụ ngô, cấy giống địa phương nên năng xuất đạt thấp. Tình trạng thiếu đói giáp hạt kéo dài từ hai đến ba tháng, hàng năm nhà nước phải trợ cấp lương thực cứu đói cho người dân. Việc sản xuất hàng hóa còn kém phát triển, đồng bào vùng cao đã trồng cây dược liệu (thảo quả, xuyên khung, y dĩ), chỉ có thảo quả là mặt hàng xuất khẩu chính của huyện, tổng sản lượng có năm đạt 400 tấn, nhưng chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nên giá cả bấp bênh, “được mùa mất giá, mất mùa được giá” nhiều khi bị tồn đọng không bán được; giá trị bình quân đầu người quá ít, chỉ đạt khoảng từ 6 đến 6,5 USD.
Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, đường giao thông đi lại khó khăn, chỉ có vài chục km đường chính từ Lào Cai đến trung tâm huyện được rải đá cấp phối, còn lại đường đến trung tâm các xã là đường đất và đường mòn. Khi đi công tác tại các xã vùng cao chỉ đi bộ. Do đó cán bộ huyện đi công tác từ Bản Xèo (Trung tâm huyện lúc bấy giờ) đến các xã khu vực Mường Hum, Y Tý vòng sang các xã khu vực Trịnh Tường phải mất nhiều ngày, có khi phải mất cả nửa tháng thì mới làm việc xong với các xã khu vực này. Riêng cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục, y tế gặp nhiều khó khăn, các phòng học hầu hết là lợp tranh, vách đất. Năm 1984, toàn huyện mới có trên 3.200 học sinh đi học, như vậy cứ 10 người dân thì có 01 người đi học. Hầu hết các xã chưa có trạm y tế và cán bộ y tế. Đời sống văn hóa của người dân nhìn chung còn rất thấp kém, những tập tục lạc hậu còn khá nặng nề…
Những khó khăn, hạn chế đó, đã trở thành rào cản lớn cho Đảng bộ và Nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện, mà chúng tôi không thể nào quên.
Quyết tâm vượt qua khó khăn
Những khó khăn, cản trở trên, Đảng bộ huyện đã thấy rõ và quyết tâm khắc phục. Từ các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XIV (1982-1984) đã xác định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân huyện Bát Xát quyết tiến ra làm chủ đường biên, để sản xuất tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và tổ chức hậu cần tại chỗ. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XV được tiến hành từ ngày 18 đến 20/9/1986. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ huyện giai đoạn 1986-1988 gồm: Ổn định và phát triển sản xuất, trước hết là sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để khai thác tốt nhất những năng lực sản xuất hiện có để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của xã hội và tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất, văn hóa của Nhân dân; Tạo sự chuyển biến rõ nét về mặt xã hội, đảm bảo cho mọi người lao động có việc làm, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng quan hệ sản xuất mới và nếp sống lành mạnh, khắc phục những hiện tượng tiêu cực; Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, tạo điều kiện để đẩy nhanh công nghiệp hóa trong chặng đường tiếp theo. Tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, điều hành đồng bộ cơ chế quản lý mới; Đảm bảo nhu cầu củng cố quốc phòng an ninh, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng.
Giai đoạn này Đảng bộ huyện đồng thời tổ chức chỉ đạo điểm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ở các xã Cốc Mỳ, Bản Qua, Quang Kim để nhân ra diện rộng. Do tích cực thâm canh, tăng vụ, khai hoang ruộng bậc thang, khôi phục dần những diện tích hoang hóa khu vực biên giới, nên bình quân lương thực đầu người năm 1988 ở vùng cao đã đạt 352 kg, vùng thấp đạt 400 kg, tình trạng thiếu đói giáp hạt ở các xã vùng cao đã giảm.
Đại hội đại biểu lần thứ XVI (1989-1990). Tập trung vào ba chương trình: Lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Từ 1/10/1991 Bát Xát là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Lào Cai. Từ ngày 28-29/11/1991 Đảng bộ huyện Bát Xát tiến hành Đại hội lần thứ XVII, sau khi kiểm điểm việc lãnh đạo của Đảng bộ trong 3 năm 1989-1991, Đại hội đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của Đảng bộ giai đoạn 1991-1995 gồm những nội dung chính, là: Ổn định tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và đời sống, nâng dần mức thu nhập về kinh tế, hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đẩy lùi tiêu cực, bất công trong xã hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII gồm 27 đồng chí. Đồng chí Đào Vĩnh (Tôi) được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy; các đồng chí Lê Thanh Hải, Sùng A Sài giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy.
Bắt đầu từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đến đại hội lần thứ XVII, Nghị quyết của các kỳ đại hội đều được tích cực triển khai thực hiện, đồng thời có chính sách của nhà nước về khuyến khích khai hoang phục hóa. Đảng bộ vừa chỉ đạo khẩn trương rà phá bom mìn vừa tổ chức sản xuất, gieo trồng ngô, đậu, đỗ các loại, trồng các giống lúa mới cao sản…trên diện tích bảo đảm an toàn, do đó hàng nghìn ha đất hoang hóa vùng biên giới được khôi phục sản xuất. Công tác củng cố xây dựng Đảng được tăng cường. Đến năm 1995, Đảng bộ huyện có 45 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 727 đảng viên.
Bát Xát - Niềm tin và tự hào của chúng tôi
Mặc dù đã nghỉ hưu, xa cách Bát Xát đã gần 30 năm, nhưng tôi và những cán bộ đã từng công tác tại Đảng bộ huyện Bát Xát vẫn thường xuyên dõi theo Bát Xát, qua thông tin trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo huyện, các kênh truyền thông đại chúng và đi thực tế tại các địa phương trong huyện.
Chúng tôi vô cùng phấn khởi, khi đội ngũ cán bộ hiện nay của huyện nhà ngày càng trẻ hóa, có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn đại học, trên đại học ngày càng đông. Đặc biệt cán bộ chủ chốt của huyện và cơ sở đã đạt chuẩn về học vấn và chuyên môn, có đủ phẩm chất, năng lực, năng động, sáng tạo trong công tác. Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở, thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, do vậy đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi và năm sau cao hơn, tốt hơn năm trước.
Nông dân xã Bản Qua thu hoạch lúa LC25 vụ Xuân năm 2019
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn đạt trên 13%; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, trung bình mỗi năm giảm 6,5% hộ nghèo... Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến rất tích cực. Từ chỗ: Không điện, không đường, thì nay 100 thôn đã có đường ô tô đến được, hầu hết các hộ dân có đường bê tông, xe máy đến tận nhà, ngày càng nhiều hộ dân xây nhà ở khang trang (nhà đẹp). 97,6% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã được phủ sóng điện thoại và Internet. Không những đảm bảo cung ứng lương thực tại chỗ, mà phần lớn các hộ dân ở các xã vùng cao đã có thóc bán ra thị trường.
Sản xuất Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày trước chủ yếu phát triển nghề rèn đúc, gò, hàn chế tạo công cụ lao động, thì đến nay Giá trị sản xuất Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã tăng lên rất nhiều. Giáo dục và đào tạo có bước chuyển đáng kể cả về quy mô trường lớp, cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Chất lượng dạy và học được nâng lên, nhiều em học sinh đã đạt giải tại kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Công tác xây dựng Đảng đã được quan tâm trên các mặt, đến nay Đảng bộ đã có 5.011 đảng viên, tăng 6,6 lần so với năm 1995. Kết quả đó đã thể hiện vai trò lãnh đạo của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã có chủ trương rất đúng đắn, hợp ý Đảng lòng dân, với những bước đi vững chắc, cùng nhiều cách làm sáng tạo của Đảng bộ huyện Bát Xát. Đặc biệt là việc cụ thể hóa Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đề án phát triển kinh tế-xã hội của huyện đã làm cho diện mạo Bát Xát hôm nay được thay đổi căn bản và toàn diện hơn.
Trung tâm Thị trấn huyện Bát Xát
Ngày nay, nhiều công trình, dự án lớn, như: Dự án nâng cấp tỉnh lộ 156 - Kim Thành - Ngòi Phát, đường Bản Xèo - Mường Hum - Y Tý, Dự án cầu qua biên giới, Khu thương mại Kim Thành - Ngòi Phát đang được triển khai, thi công xây dựng. Việc quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch Y Tý cùng với nhiều điểm du lịch được gắn với bản sắc văn hóa đồng bào Mông, Dao, Giáy, Hà nhì và các lễ hội đầu xuân, Lễ hội mùa thu luôn là điểm đến hấp dẫn du khách. Nhiều di tích lịch sử văn hóa được tôn tạo, như: Di tích lịch sử văn hóa Đền Mẫu xã Trịnh Tường, Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì Y Tý, di tích quốc gia Ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả và một số điểm đến hấp dẫn khác, như Cột cờ Lũng Pô, thác Ong chúa, thác Rồng, đỉnh Ky Quan San, đỉnh Nhìu cồ San, Lảo Thẩn, đường đá cổ Pa Vi…mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Đó là những tiềm năng lợi thế rất lớn để cho Bát Xát phát triển.
Đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đan xen. Song, với những thành tựu mà huyện nhà đã đạt được, chúng tôi vô cùng phấn khởi và tự hào, đồng thời củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở, cộng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong huyện, nhất định Bát Xát sẽ thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đưa Bát Xát sớm trở thành huyện phát triển của tỉnh Lào Cai.