PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG BÁT XÁT NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH, GIÀU ĐẸP

 

   BXĐT - Trải qua 75 năm lịch sử, với 23 kỳ đại hội được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng bộ huyện Bát Xát đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đạo đức, cán bộ. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Bát Xát đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Huân chương Lao động hạng Nhất và các phần thưởng cao quý khác, đó là sự ghi nhận những thành tích mà Đảng bộ huyện đã đạt được trong từng thời kỳ cách mạng.
    Bát Xát là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai, phía tây Bắc giáp huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc), phía Nam giáp thành phố Lào Cai, phía Đông giáp thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc), phía Tây giáp Sa Pa. Huyện Bát Xát có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Lào Cai, với tổng diện tích tự nhiên 103.568ha, gồm 20 xã, 1 thị trấn, tổng dân số toàn huyện 82.940 người, gồm 23 dân tộc, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 82%, chiều dài đường biên giới 83,894 km, có cột mốc 92 - đánh dấu điểm đầu tiên nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. 

Bát Xát - anh hùng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước

    Trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc, đất và người Bát Xát đã để lại những dấu ấn đặc biệt, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước và truyền thống hào hùng của người dân nơi đây càng được phát huy mạnh mẽ. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, ngày 30/3/1886 dưới sự chỉ huy của Đại tá Mô-si-ông, những tàu chiến với những đội quân thiện chiến, được trang bị đại bác và sự hỗ trợ của các nhà buôn dẫn đường đã theo sông Hồng từ Yên Bái lên Bảo Hà, đánh chiếm Lào Cai. Ngày 3/1/1887 thực dân Pháp đánh chiếm Bát Xát và duy trì bộ máy cai trị cũ của nhà Nguyễn, chúng ra sức vơ vét của cải, bóc lột Nhân dân, bắt lính, bắt phu…đời sống Nhân dân chìm đắm trong đói nghèo, mất nước, bị bóc lột làm nô lệ…
    Trước cách mạng tháng 8/1945 Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát bị thực dân phong kiến bưng bít nên chưa hiểu biết gì về Việt Minh và cao trào kháng nhật cứu nước, sau tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thành công một số thanh niên yêu nước mới hiểu về Việt Minh. Sau hiệp ước Hoa - Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng và chính phủ tiêu diệt bọn quốc dân Đảng phản động, tháng 2/1946 tiểu đoàn  964 từ miền xuôi lên được lệnh tiến quân vào Bát Xát, đồng bào các dân tộc Bát Xát ủng hộ lương thực, thực phẩm, liên lạc dẫn đường, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu. Đến 30/12/1946 quốc dân Đảng bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Sau ngày giải phóng chính quyền huyện và các xã Nhạc Sơn, Bát Xát, Mường Hum, Trịnh Tường được thành lập. Phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bát Xát phát triển mạnh mẽ. Để tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và đẩy mạnh phong trào ở địa phương. Ngày 10/10/1949 Tỉnh ủy Lào Cai quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng huyện Bát Xát do đồng chí Phạm Cao Sáng làm trưởng ban.
    Sau khi giải phóng thị xã Lào Cai, Trung đoàn 165 bộ đội chủ lực đã tiến quân vào Bát Xát tiêu diệt địch; theo kế hoạch Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo dân quân du lích phối hợp với bộ đội chủ lực để tiêu diệt địch ngày 4/11/1950 Bát Xát được giải phóng sau 63 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
 Năm 1961, Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ nhất được tổ chức thành công, đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự lớn mạnh, trưởng thành của Đảng bộ huyện Bát Xát: Từ Ban cán sự chính thức chuyển thành Đảng bộ. Trải qua các kỳ đại hội, từ 1961 đến 1975, Đảng bộ huyện đã đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo Nhân dân khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, đồng thời huy động sự đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường Miền Nam, đã có hàng nghìn tấn lương thực được huy động, hàng trăm con em các dân tộc Bát Xát hăng hái lên đường tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nhiều người đã nằm lại chiến trường, hy sinh thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, huyện Bát Xát cũng đã đón nhận hàng nghìn đồng bào ở miền xuôi lên xây dựng phát triển kinh tế miền núi, góp phần cùng với Đảng bộ tỉnh Lào Cai xây dựng Biên giới phía Tây Bắc trở thành phên dậu vững chắc của Tổ quốc…
    Giai đoạn 1975-1986, bắt đầu kỷ nguyên mới, hòa bình, thống nhất, độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân lao động. Tuy nhiên sang năm 1978, tình hình biên giới Việt - Trung diễn ra căng thẳng, ngày 17/2/1979 quân đội Trung Quốc nổ súng kéo quân xâm lược toàn tuyến biên giới của huyện.     Trước sự chống tả quyết liệt của quân và dân ta và sự phản đối của Nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình buộc quân Trung Quốc rút về nước ngày 05/3/1979, thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc viết tiếp trang mới trong lịch sử dân tộc. Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới đã có hàng trăm tập thể, cá nhân chiến đấu, hi sinh dũng cảm được Đảng, chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công, Huân chương quân công... 

Bát Xát - Xây dựng và Đổi mới

    Giai đoạn 1986 - 1991: Đảng bộ huyện trải qua 2 kỳ đại hội, xác định đây là giai đoạn phát triển kinh tế xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Trung ương. Đảng bộ Bát Xát đã lãnh đạo Nhân dân tích cực thâm canh, tăng vụ, thực hiện giao đất, giao rừng, khuyến khích phát triển các hợp tác xã và tổ đoàn kết sản xuất. Tập trung ổn định giáo dục tại các trường vùng thấp, tiếp tục mở lớp các trường vùng cao, đã có 16/22 xã có trạm y tế ...
      Từ 1991 đến năm 2020 là giai đoạn ổn định, phát triển, giai đoạn này, Đảng bộ huyện Bát Xát đã trải qua 7 kỳ đại hội, lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Năm 1991, Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn, tái lập tỉnh Lào Cai. Năm 1992, Trung tâm hành chính của huyện Bát Xát được di chuyển từ Bản Xèo về địa điểm thị trấn. Năm 1994, điện lưới quốc gia bắt đầu được đưa đến với Nhân dân; đường sá được mở mới, sửa chữa và nâng cấp; cơ sở vật chất bao gồm lớp học, trạm y tế, trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng; Năm 2005, huyện Bát Xát đã xóa thôn bản trắng đảng viên; đến năm 2020 huyện có 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Quang Kim là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia về Nông thôn mới); Diện mạo Bát Xát đã có nhiều khởi sắc, mức sống của người dân được nâng lên. 

anh tin bai

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2022

 

    Giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu đến 2025, Bát Xát phấn đấu trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh Lào Cai, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát khóa XXIII đã ban hành 09 Đề án, xác định 05 trọng tâm cần tập trung đột phá:

    (1) Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ then chốt;

    (2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát triển nông - lâm nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm;

    (3) Phát triển kinh tế du lịch là đột phá,

    (4) Chú trọng phát triển thương mại, công nghiệp, xây dựng; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế và giảm nghèo bền vững;

    (5) Bảo đảm ổn định chính trị, củng cố Quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia.

    Thực hiện Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Bát Xát là một trong 04 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức để huyện tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương vào xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng nông thôn, đồng thời, tranh thủ nguồn lực sẵn có và sự ủng hộ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Huyện uỷ Bát Xát đã báo cáo, đề xuất với Tỉnh uỷ, ban hành Nghị quyết riêng cho huyện, tháng 01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về định hướng không gian phát triển kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế huyện: Hành lang phía Đông dọc theo trục sông Hồng, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu; hành lang phía Tây tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên... Cùng với đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng có nhiều ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho huyện Bát Xát.
    Trong chỉ đạo, điều hành, Đảng bộ huyện luôn dự báo đúng tình hình, xác định thuận lợi, lường trước những khó khăn thách thức, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm để tập trung chỉ đạo; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng thiết thực, gần dân, sát cơ sở, các cuộc làm việc với ngành chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn được tổ chức thường xuyên, Huyện cũng chủ động đề xuất làm việc với các Sở, Ngành cấp tỉnh; với các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã… để kêu gọi đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện để kịp thời uốn nắn những sai phạm, tiêu cực, không để xảy ra các vụ việc phức tạp. Nhờ đó, kinh tế xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống Nhân dân được ổn định và từng bước nâng lên. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn huyện bình quân hàng năm luôn đạt trên 13%; Kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa bám sát theo Nghị quyết 10-NQ/TU và chương trình số 38- CTr/HU, hình thành một số vùng sản xuất có giá trị kinh tế như: Cây ăn quả ôn đới lê, chè, rau an toàn, rau trái vụ, dược liệu, chuối… Giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng từ 69 triệu đồng/ha năm 2020 lên 78 triệu đồng/ha năm 2023; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, đến nay trên địa bàn huyện Bát Xát đã có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên (tăng 18 sản phẩm so với 2020), Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 đạt trên 40 sản phẩm có chứng nhận OCOP, các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều có thị trường tiêu thụ ổn định…
    Huyện tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách ưu tiên đầu tư dành cho chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dành cho huyện nghèo,vùng dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm, 176/176 thôn có đường ô tô đến thôn, 100% phòng học được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; 100% thôn bản có điện lưới Quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm hàng năm đều đạt trên 6%/năm. Nổi bật trong hoạt động xây dựng NTM là phong trào mỗi cán bộ đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo thoát nghèo và hoạt động vận động xã hội hoá để xóa nhà tạm, điểm trường tạm, xây dựng nhà văn hóa...cùng với nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xoá nhà tạm, đã có gần 1.400 ngôi nhà tạm, dột nát được sửa chữa và xây mới; hàng nghìn xuất quà cho hộ nghèo, khó khăn được trao tặng... với tổng kinh phí gần trăm tỷ đồng.
    Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của huyện nổi tiếng trên thị trường như: Rượu séng cù, rượu Sim San, chè, thêu may thổ cẩm, miến đao, đồ mỹ nghệ, chạm bạc....; Với tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, huyện đã thu hút được nhiều công ty, tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, triển khai đầu tư trên địa bàn với gần 20 dự án thủy điện, Tuyển đồng Sin Quyền, Luyện đồng Bản Qua, sân Golf Sa Pa grand…, không chỉ tạo ra việc làm cho lao động địa phương mà còn đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước. 
 

anh tin bai

Bát Xát được quan tâm quy hoạch nhiều dự án quan trọng

    Huyện đặc biệt tập trung nhiều giải pháp cụ thể để triển khai đồng bộ công tác quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TU của Tỉnh ủy; cơ bản hoàn thành quy hoạch trung tâm các xã, điểm dân cư nông thôn; phối hợp với tỉnh thực hiện quy hoạch đô thị tại Y Tý, nhiều quy hoạch Khu, cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 như Khu Công nghiệp Bản Qua, Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường. Tập trung, quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ trong vòng hơn 3 năm, toàn huyện đã cấp trên 1600 giấy chứng nhận QSĐ đất, tăng trên 320% so với nhiệm kỳ 2015-2020, kết quả trên không chỉ thể hiện sự đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và việc cải cách hành chính của cấp uỷ, chính quyền các cấp, mà còn có ý nghĩa quan trọng để Nhân dân có cơ hội được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
 
anh tin bai

Các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh, Huyện khảo sát tuyến leo núi Lảo Thẩn

    Chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, theo phương châm “biến di sản thành tài sản”, huyện quản lý và khai thác tốt di tích danh thắng đã được công nhận như: Ruộng bậc thang thung Lũng Thề Pả, di tích danh lam thắng cảnh đường đá cổ Pavie Sàng Ma Sáo, thôn Choản Thèn xã Y Tý…; tăng cường quản lý du lịch khám phá núi Lảo thẩn - Ý Tý, đỉnh Ky Quan San - Sàng Ma Sáo, Thác Ong chúa, Thác Rồng... Chủ động kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng cải tạo nâng cấp Đền Mẫu Trịnh Tường, chỉnh trang nhà lưu niệm tại Cột Cờ Lũng Pô. Đến nay đã công bố Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, làm nền tảng thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương phát triển hiệu quả và bền vững.
  Chất lượng giáo dục được nâng lên xếp loại khá của tỉnh, hệ thống trường lớp được quy hoạch, sắp xếp hợp lý; mô hình giáo dục trường học mới được coi là điểm sáng của tỉnh, như: Mô hình trường học gắn với du lịch, trường học gắn với nông nghiệp…. phấn đấu đến năm 2025 có 80% trường học đạt chuẩn Quốc gia, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho Nhân dân, thông qua việc tổ chức lồng gắn các nguồn vốn của Chương trình MTQG; hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, các lớp dạy nghề tập trung vào việc định hướng các ngành nghề có thể triển khai tại chỗ tại các xã như: Kỹ thuật làm mộc, xây dựng, chăm sóc chè, cây lê tai nung, may... Chủ động làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm, phấn đấu năm 2025 giải quyết việc làm cho 7.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. 
    Cùng với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tập trung nhiều giải pháp, an ninh ở cơ sở được tăng cường, an ninh biên giới được giữ vững. Hoạt động đối ngoại quốc tế tiếp tục được quan tâm, tiếp tục thực hiện ký kết đối ngoại thường niên giữa huyện Bát Xát với huyện Hà Khẩu, Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; mở rộng đối ngoại với quận Quan Độ, thành phố Côn Minh (Trung Quốc)…cùng với đó là hoạt động đối ngoại với các huyện lân cận như: Tam Đường, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) …cũng được thực hiện mạnh mẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.  
    Xác định nâng cao năng lực, sức chiến đấu cuả Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là then chốt. Huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ Đề án số 09-ĐA/HUvà đề án số 18-ĐA/TU của Tỉnh ủy; chủ động và quyết liệt trong việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; điều động, tiếp nhận, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ từ huyện xuống cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện tốt, đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng quy định. Coi trọng và tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, công tác phát triển đảng viên.. toàn huyện hiện nay có 5.011 đảng viên, sinh hoạt tại 43 chi đảng bộ trực thuộc; tỷ lệ đảng viên trên dân số đạt 6%. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể có nhiều đổi mới, cùng với hiệu quả của 185 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đã góp phần quan trọng trong vận động Nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, cải tạo tập quán lạc hậu ... Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được triển khai sâu rộng, thiết thực làm chuyển biến sâu sắc nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện...
    Trong thời gian tới đây, bên cạnh những thuận lợi, Bát Xát vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Kinh tế tăng trưởng cao nhưng thiếu bền vững; đời sống nhân dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, chưa thực sự đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của Nhân dân… 
    Để tranh thủ, phát huy vận hội mới với quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát khoá XXIII, Nghị quyết 36- NQ/TU, phấn đấu xây dựng huyện Bát Xát sớm trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh Lào Cai; trước mắt cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: 
    Một là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động, hướng mạnh về cơ sở, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII của Đảng, các nghị quyết của đảng bộ các cấp; thực hiện tốt công tác nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn của tỉnh, của huyện. Tăng cường học tập làm theo tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trọng tâm là thực hiện 7 dám “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung”
    Hai là: Tiếp tục tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, đại hội Đảng bộ huyện khoá XXIV, nhiệm kỳ 2025- 2030. Tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, giai đoạn 2021- 2025. Đặc biệt coi trọng việc công khai, minh mạch trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên, tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý và thi đua khen thuởng của Đảng.
    Ba là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.   Thực hiện nghiêm quy định 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và  thực hiện Đề án số 16- ĐA/TU về “nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025". Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng các cuộc kiểm tra giám sát đảm bảo theo kế hoạch; kịp thời phát hiện sai phạm và tham mưu giải quyết dứt điểm các đơn thư, khiếu nại, vụ việc, cán bộ, đảng viên…
    Bốn là: Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội trong xây dựng Đảng và chính quyền các cấp.  Tập trung đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động Nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, chú trọng cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng gia đình, làng bản văn hóa, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống....
    Năm là: Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế linh hoạt, mạnh mẽ, thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG; quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ...
    Sáu là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Tổ chức chất lượng các kỳ họp HĐND, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát; tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến của các cơ quan chức năng... 
    Bảy là: Chủ động củng cố vững chắc khu vực phòng thủ huyện, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh chính trị, an ninh biên giới, không để phát sinh điểm nóng. Mở rộng quan hệ đối ngoại biên giới để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tám là: Tập trung hướng về cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, làm việc với cơ sở để kịp thời nắm tình hình, giải quyết các phát sinh, vướng mắc và đề xuất giải pháp để đảm bảo các nhiệm vụ chính trị được triển khai hiệu quả.
    Bát Xát là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, sơn thủy hữu tình, đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng và bảo vệ quê hương. Cấp ủy, chính quyền luôn nỗ lực để Nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc với phương châm “những hộ dân còn nghèo cần phải thoát nghèo, các hộ dân thoát nghèo ngày một nâng cao chất lượng cuộc sống”. Đây là trách nhiệm không nhỏ của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Đòi hỏi sự quyết tâm của mỗi đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện nhà. Để phấn đấu huyện Bát Xát ngày một giàu đẹp, bền vững sớm trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh Lào Cai.        
 
Nguyễn Trung Triều Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1