Theo dòng lịch sử: ĐẢNG BỘ HUYỆN BÁT XÁT LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN CẢI CÁCH DÂN CHỦ, KHÔI PHỤC KINH TẾ (1955-1960) VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT ( 1961-1965)
BXĐT - 5 năm (1955-1960), Ban Cán sự Đảng huyện Bát Xát tiếp tục lãnh đạo Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện chống âm mưu nổi phỉ của thực dân, đế quốc; khôi phục kinh tế, xóa bỏ các tàn dư của xã hội phong kiến, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tích cực xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp theo kế hoạch 3 năm ( 1958-1960) của Đảng.
Đến cuối năm 1959 huyện Bát Xát đã có 7 hợp tác xã nông nghiệp, lương thực bình quân chia theo đầu người không ngừng tăng từng năm từ 113 kg năm 1954 lên 280 kg năm 1960. Công tác xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản được quan tâm, số lượng đảng viên không ngừng tăng lên, từ 31 đảng viên đầu năm 1955 đến tháng 12/1960 đã có 146 đảng viên.
Ngày 07-14/3/1961, Ban cán sự Đảng triệu tập toàn thể đảng viên tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đây là Đại hội đảng viên đầu tiên kể từ ngày Tỉnh ủy Lào Cai thành lập Ban cán sự Đảng huyện Bát Xát ( 10/10/1949).
Đại hội lần thứ nhất đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 3 năm (1958-1960), đề ra nhiệm vụ năm 1961. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa I gồm 13 ủy viên chính thức, 02 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Đỗ Thanh Thủy, được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy; đồng chí Hoàng Việt Tiến giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy.
Đồng chí Đỗ Thanh Thủy được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy khóa I và IV
Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ II diễn ra từ ngày 19-23/4/1962. Đại hội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 1962. Đại hội bầu Ban chấp hành khóa II gồm 15 ủy viên chính thức và 02 ủy viên dự khuyết; Ban chấp hành bầu 05 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Đồng chí Hoàng Việt Tiến được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy; đồng chí Tẩn Díu Siểu được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy.
Đồng chí Hoàng Việt Tiến được bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy khóa II và III
Đồng chí Tẩn Díu Siểu được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy khóa II, III, IV
Đại hội lần thứ III diễn ra từ ngày 10-15/5/1963. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa III gồm 18 đồng chí. Đồng chí Hoàng Việt Tiến tái cử giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy; đồng chí Tẩn Díu Siểu giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy.
Đại hội lần thứ IV diễn ra từ ngày 29/12/1964 đến ngày 03/1/1965. Đại hội Bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện gồm 20 đồng chí; Ban Thường vụ Huyện ủy 07 đồng chí. Đồng chí Đỗ Thanh Thủy được Tỉnh ủy phân công trở lại làm Bí thư Huyện ủy Bát Xát; đồng chí Tẩn Díu Siểu và đồng chí Lý Hán Sinh được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy.
Đồng chí Lý Hán Sinh được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, khóa IV
Từ năm 1961 đến năm 1965 Đảng bộ huyện lãnh đạo Nhân dân thực hiện 4 Nghị quyết của 4 kỳ đại hội và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Đảng (1960-1965). Nhiệm vụ chính là tập trung xây dựng Chủ nghĩa xã hội và chống chiến tranh phá hoạt của Đế quốc Mỹ. Kết quả nổi bật trong 5 năm ( 1960-1965) toàn huyện đã xây dựng được 114 hợp tác xã. Giai đoạn này Đảng bộ, chính quyền huyện đã đón đồng bào miền xuôi lên khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển kinh tế miền núi.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp TW thăm Bát Xát năm 1963-Ảnh tư liệu
Đồng bào miền xuôi lên khai hoang, tích cực mở rộng diện tích trồng lúa nước, hoa màu, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất tăng cao. Diện tích cây lương thực và hoa màu trong 5 năm đã tăng thêm gần 1000 ha, sản lượng lương thực quy thóc toàn huyện năm 1963 tăng vọt đạt 11.149 tấn ( tăng 1,7 lần so với năm 1960). Năm 1965 lương thực quy thóc đạt 479 kg/ người/ năm. Để phục vụ cho việc kiến thiết xây dựng cơ bản, các xí nghiệp gạch ngói ở Bát Xát được thành lập, trong đó xí nghiệp gạch Quang Kim được ra đời.
Đến tháng 7/1965 chiến dịch diệt dốt kết thúc thắng lợi, toàn huyện có 24/26 xã hoàn thành kế hoạch thanh toán nạn mù chữ. Hệ thống chuyên chính vô sản được quan tâm, nhất là phát triển đảng viên ở các xã vùng cao. Đến năm 1965 Đảng bộ huyện có 482 đảng viên. Trong 5 năm 1961-1965, huyện Bát Xát có trên 900 thanh niên nhập ngũ, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam với phương châm chỉ đạo của Đảng bộ huyện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.