KHÁT VỌNG NƠI ĐẦU NGUỒN BIÊN GIỚI

 

    Bát Xát, theo tên gọi của địa phương là “Pả Xa” (tức là bãi cát) là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai. Nơi con sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ nước ta trước khi chảy qua nhiều tỉnh, thành phố để hòa vào biển cả mênh mông. Nơi vùng đất thiêng liêng được coi như khởi nguồn của nền văn minh sông Hồng ấy đang đổi thay từng ngày. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc đang nỗ lực phấn đấu với khát vọng đưa huyện trở thành “điểm sáng” nơi đầu nguồn biên giới của tỉnh. 
Bản hùng ca nơi biên giới
    Một ngày đầu thu tôi men theo câu hát “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” mà ngược dòng sông Hồng đến với huyện Bát Xát nơi mảnh đất đầu nguồn biên giới của Lào Cai. Sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, Vân Nam, Trung Quốc. Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam là cột mốc biên giới 92 nằm ở thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung; chảy qua các xã A Mú Sung, Nậm Chạc, Trịnh Tường, Cốc Mỳ, Bản Vược, Bản Qua, thị trấn Bát Xát và xã Quang Kim. Ở những xã nơi dòng sông chảy qua, những cư dân địa phương đã tìm thấy nhiều công cụ, cổ vật từ thời đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng. Nổi bật là công cụ đá cuội thuộc nền văn hóa Sơn Vi ở xã Bản Vược. Đến thời kỳ đồ đá mới, thời kỳ đồ đồng của văn hóa Đông Sơn đã phát triển khá rực rỡ. Khảo cổ ở thôn Bản Vền và Bản Qua đã tìm thấy khá nhiều loại hình công cụ đồng thau, rìu hình thang cân, rìu lười kéo xéo không mũi và có mũi. Dấu vết của một số trống đồng Đông Sơn cũng được tìm thấy ở Bản Vược, Quang Kim. Đến những di tích khác như: Đền Mẫu,  Đền Ông, Đền Thượng,… 
 
anh tin bai

Tiêu bản trống đồng Đông Sơn phát hiện tại xã Quang Kim 

    Dòng sông Hồng còn là nơi ghi dấu những chiến công trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Vào thời nhà Trần, khi quân Nguyên Mông tràn xuống xâm lược nước ta, tướng quân Trần Quốc Tuấn được vua Trần phong quốc quân tiết chế và được điều động đến vùng biên ải biên giới phía bắc. Với tài thao lược của ông, binh tướng nhà Trần cùng quân dân Đại Việt đã 3 lần chiến thắng quân Mông Nguyên. Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trên mảnh đất đầu nguồn biên giới huyện Bát Xát, dòng sông Hồng âm vang hào khí non sông đã ghi dấu bao chiến công oanh liệt của bộ đội ta với tinh thần yêu nước, nghĩa quân ta đã tiến hành nhiều đợt tấn công khiến quân giặc khiếp sợ. Tiêu biểu như ngày 19/8/1886, tại thác nước trên sông Hồng khu vực xã Trịnh Tường, Quan Hinh và đội bàn họ Thào đã phục kích, đánh đắm 5 thuyền địch, tiêu diệt 2 trung úy chỉ huy và 11 lính. Đây là trận đánh khiến thực dân Pháp thiệt hại nặng nhất ở bờ hữu ngạn sông Hồng, về sau người địa phương gọi đây là trận Thác Tây. 
 
anh tin bai
    Từ trung tâm thị trấn Bát Xát, chúng tôi ngược sông Hồng đến với mảnh đất A Mú Sung. Đồn biên phòng A Mú Sung là đồn biên phòng đầu tiên trên tuyến biên giới dọc sông Hồng của tỉnh Lào Cai. Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ: Tính đến nay Đồn Biên phòng A Mú Sung đã có lịch sử 46 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, gắn với những thành tích đáng tự hào. Đồn quản lý trên 26,7km đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc.     Trải qua năm tháng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung đã không quản hi sinh xương máu, luôn vững tay súng chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ vững chắc dải đất biên cương nơi thượng nguồn sông Hồng. Nhà bia tưởng niệm đã khắc ghi tên 31 chiến sĩ hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979 có 23 chiến sĩ, 3 cán bộ địa chất đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất này. Nỗi đau ngày 17/2 như một nỗi ám ảnh, khi biên cương chưa bình yên. Vào ngày 17/2/1984 có 4 chiến sĩ cũng đã anh dũng hi sinh khi bảo vệ biên giới. Ngày 16/2/2011 một chiến sĩ cũng hi sinh vì Tổ quốc. Trong số các anh, người ở Lào Cai, người quê Yên Bái, Hải Phòng, người quê Vĩnh Phú, Nam Định, người tận Thanh Hóa. Ngày 17/2 hằng năm trở thành ngày giỗ chung của những người con từ bao miền quê hi sinh vì Tổ quốc nơi mảnh đất này.  

anh tin bai
    Trên hành trình đi dọc biên giới sông Hồng, chúng tôi còn thăm Đồn Biên phòng Trịnh Tường, Đồn Biên phòng Bát Xát. Trong đó, Đồn Biên Phòng Bát Xát đã có lịch sử 65 năm thành lập. Suốt chiều dài biên giới ấy, dù ở đâu, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng vững vàng tay súng, sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần, coi nhiệm vụ bảo vệ biên giới như chính tính mạng của mình.
    Đổi thay vùng đất ven sông
    Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ sông Hồng. Từ vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, huyện Bát Xát hôm nay đang phát huy các tiềm năng, thế mạnh, xây dựng cuộc sống thêm ấm no. Đặc biệt, các thôn, bản dọc theo biên giới sông Hồng gần 40km hiện hữu một cuộc sống mới bình yên, hạnh phúc. 
    Đến thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, chúng tôi gặp ông Ma Seo Páo, người có uy tín của thôn. Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đỏ lựng giữa cái nắng lửa mùa hè, ông Ma Seo Páo bảo trải qua bao gian khó, đến nay thôn Lũng Pô 1 và thôn Lũng Pô 2 được sáp nhập, với 84 hộ dân người Mông, người Dao, thì có khoảng 60 hộ dân có nhà xây kiên cố, trong đó có hơn chục ngôi nhà xây hai tầng. Những năm qua, bà con trồng hằng trăm ha chuối, dứa để nâng cao thu nhập. Mấy năm gần đây, bà con trồng 20,4ha xoài; 2ha mít; 2ha cam, táo. Trong đó, 12ha xoài đã cho thu hoạch. Đến Lũng Pô hôm nay, cùng với sự đổi thay của bản làng biên giới, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nơi đây còn được xây dựng công trình cột cờ Lũng Pô hoành tráng với lá cờ đỏ sao vàng tung rộng 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc trên mảnh đất biên giới Lào Cai đang bay trong gió, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ năm 2017 đến nay, Lũng Pô là điểm sáng biên giới với mô hình kết nghĩa với Tổ Ngũ Đạo Hà, thôn Thủy Tào, xã Giao Sơn, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Qua hoạt động giao lưu, đối ngoại nhân dân, hai thôn ngày càng gắn bó, đoàn kết xây dựng tuyến biên giới hòa hình, hữu nghị, thôn bản bình yên.
    Tại thôn Hải Khê, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, anh Vàng A Cương, dân tộc Giáy là người có uy tín của thôn chia sẻ: Trước đây, vùng đất ven sông Hồng đã từng là bản làng đông vui do đồng bào các tỉnh miền xuôi từ Hà Nam, Nam Định lên đây khai hoang, phát triển kinh tế. Sau chiến tranh biên giới năm 1979, người dân đã di chuyển đi hết, vùng đất này đầy rẫy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, lau lách mọc hoang. Nhờ Đảng, Nhà nước tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ra biên giới khai phá đất hoang nên làng xóm dần đông vui hơn.
    Đặc biệt, bà con thôn Hải Khê tích cực trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây lúa, cây ngô lên tới 50 -65 tạ/ha; trồng 5,4 ha táo; 1,5 ha cây dưa lưới, dưa lê trong nhà màng. Từ đó, biến dải đất ven sông thành vùng cây ăn quả xanh tốt. Nhiều năm qua, bà con thôn Hải Khê tích cực tham gia tổ bảo vệ đường biên, mốc giới, không ai vượt biên trái phép, không có người tảo hôn, mua bán ma túy, vi phạm pháp luật; 100% trẻ em được đến trường học chữ. 
Đến xã Quang Kim là xã “cửa ngõ” của huyện Bát Xát, giáp với thành phố Lào Cai, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước những kết quả trong phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng nông thôn mới của xã. Chị Phan Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Quang Kim cho biết: Trong lao động, sản xuất, từ năm 1985 xã Quang Kim đã có Hợp tác xã Tiền phong - Hoàng Liên Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Thời điểm năm 2013, xã Quang Kim đã có 35 mô hình kinh tế trang trại lớn nhỏ sản xuất có hiệu quả. Năng suất lúa bình quân đạt 62,5tạ/ha. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 86 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân 24,5 triệu đồng/ người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trước khi xây dựng nông thôn mới là 12,84% sau 3 năm đã giảm xuống còn 0,93%. 
    Những kết quả đó đã giúp xã Quang Kim làm nên “kỳ tích” trong xây dựng nông thôn mới. Quang Kim là một trong 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lào Cai, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới năm 2013; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014. Hiện nay Quang Kim đang phát huy thế mạnh, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Bát Xát.
            Đưa Bát Xát thành huyện phát triển khá của tỉnh
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì huyện Bát Xát đang tưng bừng thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện (10/10/1949 -10/10/2024). Bầu không khí rộn ràng, phấn khởi ấy lan tỏa từ trung tâm huyện là thị trấn Bát Xát đến các bản làng xa xôi nơi vùng cao, biên giới. Tại thị trấn Bát Xát là trung tâm hành chính của huyện, khắp các tuyến đường, cờ hoa rực rỡ tung bay. 
    Trong câu chuyện với chúng tôi bàn về tương lai rộng mở của huyện Bát Xát, ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát cho biết: Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ 23, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra mục tiêu quan trọng là xây dựng Bát Xát trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh Lào Cai. Nghị quyết 36 của Tỉnh ủy Lào Cai cũng xác định sẽ hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của huyện Bát Xát gồm: Hành lang phía Đông dọc theo trục sông Hồng, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu; hành lang phía Tây tập trung đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên. Huyện Bát Xát phấn đấu và kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đưa huyện thoát khỏi danh sách huyện nghèo, tạo tiền đề vững chắc để trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. 
  Trong một ngày không xa thị trấn Bát Xát sẽ được mở rộng không gian, bảo đảm đủ điều kiện để nâng cấp lên đô thị loại IV, là đô thị phát triển dịch vụ, thương mại gắn với sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu và thành phố Lào Cai. Xã Bản Vược trở thành đô thị gắn với khu kinh tế cửa khẩu sôi động. Trung tâm xã Trịnh Tường được quy hoạch xây dựng trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ gắn với hoạt động của Khu Công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường, là “cửa ngõ” của đô thị du lịch Y Tý, đáp ứng tiêu chí đô thị loại V, định hướng đạt đô thị loại IV. 
    Cũng trên trục giao thông động lực dọc sông Hồng ấy, huyện Bát Xát đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng tốt nhu cầu các dịch vụ logistics như vận tải, kho bãi, bốc xếp, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ phụ trợ. Từ đó, hình thành Khu hợp tác kinh tế qua biên giới với vai trò là hạt nhân của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Đặc biệt, huyện thúc đẩy hoàn thành xây dựng cầu biên giới bắc qua sông Hồng, mở điểm thông quan Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc); hình thành và phát huy hiệu quả hoạt động các cặp chợ biên giới tại khu vực Bản Vược, Lũng Pô và Y Tý; đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua các cửa khẩu biên giới.
    Trong câu chuyện với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo huyện Bát Xát say sưa nói về những tiềm năng, thế mạnh của huyện, đặc biệt là tiềm năng về phát triển du lịch. Huyện Bát Xát là nơi có “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” là dòng sông Hồng đầy ắp huyền thoại nơi đầu nguồn biên giới và các đỉnh núi nằm trong tốp những đỉnh núi cao nhất Việt Nam như đỉnh Ky Quan San, Pu Ta Leng, Lảo Thẩn. Bát Xát còn có những tài nguyên vô giá để phát triển du lịch như xã Y Tý là vùng đất giữa mây trời đẹp như trong truyện cổ tích; có các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số hà Nhì, Mông, Dao, Giáy…đậm bản sắc dân tộc; có kho tàng văn hóa đa sắc màu vừa độc đáo, vừa bí ẩn….Tất cả tạo nên một bức tranh đầy hấp dẫn đang thu hút nhiều du khách tới tham quan. 
    Trò chuyện với chúng tôi, chị Bàn Thanh Thảo, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát chia sẻ: Hiện nay, huyện Bát Xát đang rất kỳ vọng vào sự phát triển du lịch sẽ tạo ra bước đột phá, giúp huyện phát triển bền vững trong tương lai. Để tạo ra bước đột phá đó, cùng với đầu tư về hạ tầng giao thông, đô thị, kêu gọi các nhà đầu tư, huyện Bát Xát đang tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác du lịch, đặc biệt là quảng bá sự hấp dẫn của tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng (Trịnh Tường, A Mú Sung) và du lịch Y Tý đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Huyện Bát Xát cũng quan tâm tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù độc đáo, hấp dẫn để du khách khám phá, trải nghiệm, đến một lần sẽ nhiều lần trở lại vùng đất biên cương.
    Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong lịch sử xây dựng và phát triển của huyện Bát Xát, đặc biệt là trong 75 năm qua, chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng huyện vùng cao biên giới Bát Xát sẽ có nhiều giải pháp chiến lược đột phá, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh, biến những khát vọng trở thành hiện thực, để Bát Xát thực sự là “ngôi sao sáng” nơi đầu nguồn biên giới của Tổ quốc.
Trần Tuấn Ngọc - Báo Lào Cai
1 2 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1