Bát Xát đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của người dân

BXĐT- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Những năm qua, huyện Bát Xát đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, với những ngành nghề gắn với nhu cầu thực tế của người dân đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

 Thống kê cho thấy, huyện Bát Xát hiện có 52.498 lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia hoạt động kinh tế 45.695 người, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên so với tổng dân số đạt 87,5%, hoạt động trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp 37.457 người chiếm 81,97%; công nghiệp xây dựng 1.891 người chiếm 4,13%, thương mại-dịch vụ 6354 người chiếm 13,09%.

anh tin bai

Giờ thực hành lớp điện dân dụng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện

 Để người trong độ tuổi lao động có việc làm, huyện Bát Xát xác định đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế để giải quyết việc làm bền vững. Trên cơ sở đó, huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề. Đồng thời, huyện đã khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người dân địa phương; căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương để lựa chọn nghề phù hợp cho lao động, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của người lao động trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp; khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại, tham gia vào các công ty, nhà máy hoặc đi xuất khẩu lao động.

 Huyện phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp ĐTN, dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho người lao động trên địa bàn các xã, thị trấn gắn với nhu cầu thực tế, như: may công nghiệp, điện dân dụng, chăn nuôi gia súc, trồng trọt. .v.v.. Ngoài ra, hàng năm các hội đoàn thể đã mở các lớp tập huấn về các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, giúp hội viên trên địa bàn nâng cao kiến thức, kỹ thuật, năng lực nghề, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, canh tác, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập.

anh tin bai

 Ký kết giải ngân vốn vay cho người lao động động đi xuất khẩu lao động

 Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến online qua Website, Zalo, điện thoại; thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp được công bố rộng rãi, liên tục tới người lao động thông qua các kênh truyền thông của địa phương. Phối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh duy trì tốt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của các cấp, các ngành. Các phiên giao dịch việc làm được huyện phối hợp với Trung tâm, đơn vị tổ chức đã góp phần kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với người lao động….Do đó, 8 tháng đầu năm 2022, huyện đã tổ chức 3 phiên giao dịch với tổng số gần 1200 người tham gia. Tổ chức tuyển sinh 02 lớp đào tạo nghề “Kỹ thuật trồng rau an toàn” tại xã Trịnh Tường và Lớp “Kỹ thuật trồng và chế biến chè” tại xã A Mú Sung với tổng số học viên 67 người, giải quyết việc làm cho 1.224 lao động, đạt 76,65% KH huyện giao năm 2022; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,54%. Tại các phiên giao dịch, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề đã giới thiệu hàng trăm vị trí việc làm, tuyển sinh và học nghề, giúp người lao động tiếp cận được với công việc phù hợp. 

anh tin bai

 Nhiều lao động được Tư vấn giới thiệu việc làm tại các phiên giao dịch

 Cùng với những kết quả đạt được, thì công tác giải quyết việc làm cho người lao động vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế đó là: Tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy có tăng lên qua từng năm, nhưng chất lượng lao động được đào tạo có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại lao động sau khi tuyển dụng, lao động hạn chế về tác phong, kỷ luật lao động. Việc khai thác nguồn dữ liệu điều tra cung - cầu lao động tại các địa phương trên địa bàn huyện chưa đạt hiệu quả cao.

 Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo. Thời gian tới, cấp ủy chính quyền huyện Bát Xát từ huyện đến cơ sở cam kết luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có cơ hội tuyển dụng, đào tạo lao động cũng như tìm hiểu, thực hiện dự án tại huyện Bát xát. 

 Với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, Bát Xát sẽ thường xuyên duy trì kênh thông tin phản hồi rộng rãi để nhà tuyển dụng, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến; cam kết nỗ lực hết mình sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời và dứt điểm các khó khăn, vướng mắc giữa lao động và doanh nghiệp. Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư .v..v..

 Những giải pháp cụ thể đó sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Lưu Liên, Trung tâm VH,TT-TT Bát Xát

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1