Những bước đi vững chắc sau nửa nhiệm kỳ lãnh đạo ở Đảng bộ huyện Bát Xát
Những bước đi vững chắc sau nửa nhiệm kỳ lãnh đạo ở Đảng bộ huyện Bát Xát

Giàng Thị Dung
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát

3 năm qua ( 2015 – 2017), bằng việc đổi mới phương pháp lãnh đạo theo hướng"Khoa học, gần dân, sát cơ sở"; Đảm bảo tính thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; Sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, ngày càng thể hiện sự vững mạnh trong công tác lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bát Xát khóa XXII. Và thực tế đã được minh chứng: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngày càng được nâng lên; Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có sự chuyển biến rõ nét; Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân dần cải thiện và diện mạo Bát Xát không ngừng đổi thay.  


Ban Thường vụ Huyện ủy Bát Xát làm việc với Đảng bộ xã Nậm Pung

Một trong những cách làm có tính quyết định đến thành công trong mỗi bước đi của Ban chấp hành Đảng bộ Bát Xát khóa XXII, nhiệm kỳ (2015 – 2020) đó là: Ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã xây dựng chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí  phụ trách theo từng lĩnh vực; Hoạch định chiến lược cho cả giai đoạn và tầm nhìn đến năm 2030; Xác định rõ lộ trình, bước đi thích hợp và mục tiêu phấn đấu cho từng năm. Đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XXII, bằng 5 chương trình, 12 đề án phát triển kinh tế xã hội giai đoạn (2016 – 2020); Xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá để chỉ đạo, thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở. Các đề án được phân khai thực hiện và có kế hoạch cụ thể theo từng năm. Đặc biệt mỗi chương trình, đề án, phần việc và mỗi cơ sở, đều phân công cấp ủy chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ và Ban Chấp hành.  Hàng năm Bát Xát đã bố trí các nguồn kinh phí đề thực hiện 12 đề án theo đúng kế hoạch đã phê duyệt. Vì vậy, chỉ sau nữa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII và nhất là sau khi thực hiện 5 chương trình, 12 đề án kinh tế xã hội giai đoạn (2016 – 2020), đã mở ra cho Bát Xát nhiều cơ hội phát triển: Kinh tế tăng trưởng bền vững; Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng cao; Chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở chuyển biến rõ nét và người dân thực sự chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 


Đồng chí Giàng Thị Dung – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đối thoại với các Doanh nghiệp

Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội: Huyện ủy, UBND huyện Bát Xát đã có nhiều chủ trương điều hành, cơ chế hỗ trợ hợp lý, làm bà đỡ và tạo đòn bẩy cho nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đối thoại với Doanh nghiệp, đối thoại với Nhân dân, vừa thu hút đầu tư, vừa tạo môi trường thuận lợi và sự đồng thuận giữa nông dân với doanh nghiệp trong liên kết phát triển kinh tế. 


Cánh đồng rau Quang Kim cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm

Chương trình "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" được coi là chương trình trọng tâm có tính quyết định đến sự phát triển "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" ở Bát Xát. Chương trình này được cụ thể bằng 2 đề án và xác định rất rõ ngành nghề phát triển trong nông nghiệp, mục tiêu thực hiện và lộ trình về đích nông thôn mới của từng thôn, từng xã.

Theo đó nông nghiệp được cụ thể hóa bằng các dự án: Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, cây ăn quả ôn đới, phát triển vùng cây dược liệu, dự án chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa....Kết hợp đồng bộ giữa đầu tư phát triển, với bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển làng nghề truyền thống đã làm cho nông nghiệp Bát Xát ngày càng đứng vững và đóng góp quan trọng trong các thành phần kinh tế. Qua đó tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định đạt gần 15% (năm 2016); Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,5 triệu đồng/người/năm; Nâng hệ số sử dụng đất lên 1,95 lần và giá trị trên đơn vị canh tác đạt gần 64 triệu đồng/ ha  và  tỷ lệ giảm nghèo đạt 9,62%/năm.


Hàng chục ha dứa thôn Bản Trang xã Cốc  Mỳ Huyện Bát Xát  bước vào vụ thu hoạch

Nhiều mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất rau, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Y Tý, Quang Kim, Pa Cheo, điển hình như hộ gia đình ông Phạm Huy Cương trồng bắp cải, su hào trái vụ tại xã Pa Cheo đã cho giá trị thu nhập 225 triệu đồng/ha/năm. Hợp tác xã Song Kim (Quang Kim) thực hiện công nghệ màng phủ nilon, cơ giới hóa trong khâu làm đất, trồng Húng quế và các loại rau sạch đã cho giá trị 95 triệu đồng/ha/vụ; Mô hình dưa hấu tại Phìn Ngan, Tòng Sành đã cho thu nhập 209 triệu/ha... 

Các cây ăn quả ôn đới đã được Bát Xát áp dụng trên đất đồi và đất lúa 1 vụ kém hiệu quả như:  183,78 ha cây lê VH6; 631,67 ha chuối; 38,5ha dứa; 45 ha dưa hấu... Ngoài ra một số mô hình liên kết mới cũng đang được áp dụng như: Liên kết sản xuất rau ôn đới trái vụ giữa các xã vùng thấp và vùng cao Pa Cheo, Y Tý  với diện tích 14,6 ha; Thử nghiệm mô hình trồng tỏi 8 ha và UBND huyện đã ký hợp đồng nguyên tắc với công ty Cổ phần dược liệu Việt Nam phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 quy mô 300 ha cây dược liệu...

Cùng với cây trồng, chăn nuôi cũng phát triển mạnh (Kể cả gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản). Dự án chăn nuôi Ngựa là một mô hình mới đang được áp dụng tại 20 hộ thuộc 2 xã Sảng Ma Sáo và Ngải Thầu, với quy mô 200 con và thực hiện theo hướng: Ngân sách huyện hỗ trợ lãi suất Ngân hàng cho các hộ 1,38 tỷ đồng để đầu tư, đồng thời hỗ trợ các hộ tham gia chăn nuôi kinh phí xây dựng chuồng nuôi, trồng cỏ. 


Đông đảo người dân tham gia đổ đường bê tông tuyến đường Linh Giang – Suối Thầu 2 ( Nậm Chạc)

Trong xây dựng nông thôn mới, thống nhất quan điểm chỉ đạo: Xây dựng nông thôn mới thì phải bắt đầu từ người dân, mới từ trong nhà ra ngoài ngõ, rồi mới đến cả cộng đồng. Trên cơ sở thực tế của từng địa phương, mỗi năm mỗi xã phải đăng ký hoàn thành từ 2 tiêu chí trở lên và có ít nhất 1 thôn hoàn thành nông thôn mới, còn đối với các xã đã hoàn thành nông thôn mới, thì xây dựng "Thôn kiểu mẫu". Theo đó Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện cùng với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện và các tổ công tác của huyện đã tăng cường xuống cơ sở, để chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn trong từng phần việc. 

Từ năm 2016 đến nay, Bát Xát đã có 2 xã đăng ký hoàn thành xã nông thôn mới (Bản Qua năm 2016 và Mường Vi năm 2017); 7 thôn đăng ký “Thôn Kiểu mẫu” và 19 thôn đăng ký “Thôn Nông thôn mới”. Kết thúc năm 2016 toàn huyện đã hoàn thành 53 tiêu chí; 4 xã đạt nông thôn mới, 3 thôn đạt thôn kiểu mẫu và 9 thôn đạt thôn nông thôn mới.  Năm 2017 để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bát Xát đã huy động tổng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới hơn 116 tỷ đồng. Trong đó  vận động các tổ chức ủng hộ được gần 3 tỷ đồng; Nhân dân hiến trên 10.878 m2 đất và đóng góp trên 5.576 ngày công lao động để xây dựng NTM. Huyện cũng đã trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi thôn từ 10 đến 20 tấn xi măng để hoàn thiện các công trình. Đến thời điểm hiện tại 22 xã trên địa bàn huyện hoàn thành được 205 tiêu chí NTM, đạt 76% KH, giảm 19 tiêu chí so với bộ tiêu chí cũ. Bát Xát đang quyết tâm phấn đấu hết năm 2017 đạt 275 tiêu chí; Đưa Mường Vi về đích xã nông thôn mới; Hoàn thành 4 thôn kiểu mẫu và 10 thôn nông thôn mới; Xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành nông thôn mới cho xã Bản Xèo, Mường Hum vào năm 2018 – 2019. 


Bát Xát chinh phục đỉnh Lảo Thẩn

Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Bát Xát đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và củng cố hệ thống chính trị theo hướng vững mạnh toàn diện. Để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, Ban chấp hành  Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa bằng 2 đề án, trong đó đề án "Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức huyện Bát Xát giai đoạn 2015 – 2020" được coi là then chốt và công tác xây dựng Đảng được chú trọng ở cả 3 mặt Chính tri, tư tưởng và tổ chức.

Theo đó công tác cán bộ được đặt lên hàng đầu. Ngay sau Đại hội  các tổ chức cơ sở Đảng đã nhanh chóng ổn định bộ máy và bắt tay ngay vào việc xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ và  xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa và từng năm. Trong đó  chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, tính bền vững của các Chi bộ độc lập ở thôn bản, tổ dân phố. Đảm bảo chất lượng cán bộ sau xắp xếp: 646 cán bộ tham gia giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư, Chi uỷ viên trong Chi uỷ, Chi bộ ( Trong đó có 57 đồng chí Bí thư Chi bộ là nữ); 100% cán bộ là trưởng, phó trưởng các phòng ban có trình độ Đại học trở lên và trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, 100%  đã tốt nghiệp THPT; 252/271 công chức xã đạt chuẩn đào tạo văn hóa và chuyên môn (chiếm 93%). Đảng bộ huyện hiện có 58 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện (gồm 27 Đảng bộ và 31 Chi bộ), tổng số chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở là 330 Chi bộ. Trong đó 236 Chi bộ thôn, bản, tổ dân phố (100% chi bộ độc lập), tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ là 3.564. Từ năm 2016 đến nay đã phấn đấu đạt 37,33% chi bộ có chi ủy và 236/236 Chi bộ đã được kiện toàn xắp xếp lại theo quyết định số 65/2016/QĐ-UBND tỉnh Lào Cai về kiện toàn, sắp xếp cán bộ không chuyên trách thôn bản, tổ dân phố. 

Đặc biệt sau bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, huyện Bát Xát tái thành lập Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ (2016 – 2021). Đảng bộ huyện đã chỉ đạo kiện toàn HĐND 23 xã, thị trấn; bầu các chức danh chủ chốt HĐND, UBND cấp huyện và cơ sở nhiệm kỳ (2016 -2021). Chỉ đạo hệ thống chính quyền cơ sở bám sát các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy Đảng, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ chính trị; thực hiện tốt quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, chất lượng các kỳ họp và khả năng quyết định các vấn đề ở cơ sở được nâng lên. 
 Hàng năm  có trên 85% tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; 98% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đồng thời các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội được phân khai hàng năm đều đạt theo đúng lộ trình. 


Huyện Bát Xát đón bằng công nhận di tích quốc gia ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả
và du sản văn hóa phi vật thể Lẽ cúng rừng Gạ Ma Do.

Có được thành tựu trên, trước hết khẳng định: Ban chấp hành, Ban Thường vụ cùng các ban ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở có sự đoàn kết thống nhất cao, năng động, sáng tạo, giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm. Có quan điểm đúng đắn, phương pháp lãnh đạo khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; Coi trọng phát triển toàn diện, bền vững nông thôn; Gắn phát triển kinh tế xã hội với củng cố an ninh quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thực hiện  phương châm “ Nói đi đôi với làm”, hướng mạnh về cơ sở; giữ vững nguyên tắc tập trung – dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong huyện; Đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh; Mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp; Đồng thời  khai thác triệt để tiềm năng kinh tế và nguồn lực sẵn có ở địa phương. Đặc biệt khơi dậy sức mạnh đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của Nhân dân các dân tộc trọng huyện.

Từ xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt; Gắn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội; Phát triển kinh tế với ổn định an ninh quốc phòng - Bát Xát đang có những bước đi dài và vững chắc. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, Đảng bộ huyện Bát Xát đang quyết tâm cao để đạt bằng được mục tiêu quan trọng "Sớm đưa Bát Xát trở thành huyện phát triển mạnh của tỉnh Lào Cai".

                                                                          

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1