BXĐT - Triển khai thực hiện Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện đã góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững.
Mô hình chanh leo của gia đình anh Lò Láo Tả ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường
Triển khai “Mô hình trồng cây ăn quả” thuộc nội dung số 1 thuộc Tiểu dự án 2 ( Dự án 3) Chương trình MTQG 1719; xã Trịnh Tường lựa chọn thôn Phìn Ngan để đưa cây chanh leo vào trồng với diện tích 6ha; tổng kinh phí triển khai Dự án là trên 1 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 500 triệu đồng còn lại là người dân đóng góp. Các hộ dân tham gia dự án đều là DTTS, hộ nghèo và cận nghèo của xã.
Để được tham gia Dự án, các hộ phải có diện tích đất tập trung ít nhất từ 0,1ha trở lên; viết đơn tự nguyện tham gia và ký cam kết tuân thủ các điều kiện khi tham gia dự án bằng văn bản và được chính quyền địa phương xác nhận…
Năm 2024 vừa qua là năm đầu tiên gia đình anh Lò Láo Tả ở thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường đưa vào trồng hơn 100 gốc cây chanh leo trên diện tích đất canh tác của gia đình. Nhờ tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, vườn chanh leo của gia đình anh Tả phát triển khá tốt. Vì là vụ đầu tiên nên gia đình anh Tả không đặt kỳ vọng về năng suất, thu nhập từ loại cây trồng này. Tuy nhiên, trừ chi phí cũng cho gia đình anh thu nhập trên 10 triệu đồng.
Cây Hoàng Sin Cô góp phần giúp người dân Trịnh Tường có thêm thu nhập .
Trịnh Tường là xã vùng III của huyện Bát Xát, đời sống, thu nhập của người dân ẫn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên còn rất nhiều khó khăn. Từ nguồn lực hỗ trợ CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), Trịnh Tường lựa chọn đưa 06 ha cây chanh leo, 14 ha cây mận Tam hoa và 08 ha cây măng sặtvào trồng với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã đang kỳ vọng nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ sản xuất sẽ góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho bà con thông qua việc đưa những giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi.
Mô hình cải tạo, thâm canh, phát triển và sản xuất chè, giúp người dân Bát Xát có nguồn thu nhập ổn định
Xác định Chương trình 1719 là "động lực" phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do vậy, để nguồn vốn chương trình hiệu quả, các địa phương đã tiến hành khảo sát điều kiện tự nhiên, nắm bắt nguyện vọng của người dân để lựa chọn dự án đầu tư. Năm 2024, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn huyện Bát Xát là 290 tỷ 657 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí đó, địa phương đã triển khai các mô hình như: Mô hình cải tạo, thâm canh, phát triển và sản xuất chè; mô hình trồng cây Quế, cây ăn quả; Dự án liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm an toàn gạo séng cù; Hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; Dự án liên kết trồng cây Hoàng Sin Cô theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng sản phẩm OCOP..v.v..việc hỗ trợ, đầu tư các dự án từ Chương trình MTQG 1719 đã tác động tích cực giúp thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người gần 39 triệu đồng, giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 80 triệu đồng/ha, tỷ lệ giảm nghèo đạt 5,22%.
Triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, cụ thể là việc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, đã khẳng định thêm sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào các DTTS. Qua đó, tạo động lực để đồng bào vươn lên, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.