25/09/2023
Bảo vệ rừng - Xứ mệnh thiêng liêng của người Hà Nhì trên mảnh đất biên cương
BXĐT- Người Hà Nhì từ bao đời vẫn quan niệm rằng: Mỗi cánh rừng đều có một vị thần cai trị, mỗi loài cây trong rừng hay từng ngọn cỏ, con thú ở rừng đều có linh hồn. Vì Vậy, bảo vệ rừng như một xứ mệnh vô cùng thiêng liêng của người Hà Nhì được ông cha truyền lại cho con cháu từ đời này qua đời khác
Khi đặt chân tới mảnh đất Y Tý điều đầu tiên thu vào tầm mắt tôi là một màu xanh trải dài bất tận của những cánh rừng nguyên sinh, khu rừng thiêng với những tán cây to cổ thụ đan xen vào nhau hệt như những cánh tay đang vươn dài ôm ấp bao bọc lấy thôn bản của người Hà Nhì.
Rừng nguyên sinh Y Tý
Người Hà Nhì cho rằng bảo vệ khu rừng chính là bảo vệ nguồn nước, vật nuôi trong nhà và con cháu của họ luôn được bình an, mạnh khoẻ và ấm no. Chính vì thế, hằng năm người Hà Nhì đều thực hiện nghi thức cúng rừng Gạ Ma Gio được tổ chức vào đầu năm tháng 2 âm lịch mang ý nghĩa coi trọng, biết ơn “thần rừng” đã che chở, bảo vệ bản, giúp người Hà Nhì có cuộc sống sung túc, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở.
Lễ cúng rừng của người Hà Nhì
Từ bao đời nay người Hà Nhì sống gần gũi với thiên nhiên và ngày nay rừng thiêng là nét đặc trưng là niềm tự hào đối với họ. Điều đó được thể hiện qua cách bảo vệ rừng bằng một hệ thống các quy ước trong luật tục nghiêm ngặt bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước của cha ông để lại. Họ coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, còn suối nước là chỗ dựa tinh thần là nguồn nước thiêng của cả bản, luôn ý thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và môi trường, họ coi rừng như báu vật và mang lại nhiều may mắn. Ông Phu Che Thó – công chức văn hoá xã Y Tý chia sẻ: “ Từ thế hệ này qua thế hệ khác, những khu rừng thiêng vẫn là một nơi bất khả sâm phạm, cấm không ai được tới và chặt cây hay lấy củi, kể cả củi khô, ai phạm vào điều cấm kị này sẽ bị phạt rất nặng”. Ngoài ra, trong bản của người Hà Nhì việc bầu ra các già làng hay trưởng bản cũng phải làm lễ báo cáo với thần rừng, và được thần rừng chấp nhận. Trong nghi lễ người được chọn phải làm lễ và thề nguyện trước thần rừng sẽ luôn bảo vệ chăm sóc phát triển khu rừng thiêng này cùng với các thôn dân trong bản – A Thó chia sẻ thêm.
Có thể nói, nếu xét về mặt khoa học thì không ai có thể chứng minh được có sự hiện diện của thần rừng trong các khu rừng thiêng hay không, các khu rừng này có thiêng thật hay không…nhưng niềm tin của người Hà Nhì và tục cúng rừng hằng năm là có thật. Chính những điếu đó đã thể hiện qua những luật tục bảo vệ rừng, coi rừng là nguồn sống cũng là cách ứng xử với văn hoá rừng của người Hà Nhì, thể hiện sức mạnh gắn kết cộng đồng các dân tộc vùng cao Y Tý.
Hồng Nhung (Tổ quản lý Du lịch Y Tý – Mường Hum)