Hành trình khám phá các điểm hoang sơ ở Trịnh Tường

BXĐT- Đến với các địa điểm du lịch hoang sơ ở Trịnh Tường – Bát Xát là đến với những trải nghiệm khám phá mới mẻ của vùng đất biên giới chắc chắn sẽ không làm du khách thất vọng.

Xuất phát từ thành phố Lào Cai, đi trên đường tỉnh lộ 156 ngược sông Hồng với nhiều cảnh sắc khác nhau trên quãng đường 40km du khách sẽ đặt chân đến Trịnh Tường. Nơi đây là trung tâm cụm của nhiều xã nơi thượng nguồn sông Hồng với chợ phiên đông vui, nhộn nhịp, nơi giao lưu, trao đổi, buôn bán của đồng bào dân tộc các xã: Cốc Mỳ, Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù. Là địa bàn sinh sống của các dân tộc anh em như: Giáy, Kinh, Mông, Dao, Hà Nhì…Trịnh Tường còn lưu giữ dấu ấn lịch sử từ hàng trăm năm trước như: Đồn, bốt của thực dân Pháp được chúng xây dựng khi cai trị vùng đất này.

Nơi đây có Đền Mẫu nằm tọa lạc bên bờ sông Hồng, gần cột mốc biên giới số 94 - ngôi đền có tuổi đời hơn 100 năm đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển gắn liền với lịch sử của vùng biên ải. Ngôi đền đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2016. Để đáp ứng như cầu tín ngưỡng của người dân nơi đây, đền Mẫu được tôn tạo khang trang hơn bằng nguồn vốn xã hội hóa và khánh thành đầu năm 2021. Không chỉ đông đảo bà con Nhân dân quanh vùng đến dâng lễ, dâng hương mùng một, ngày rằm, các ngày lễ đền mà còn thu hút du khách thập phương đến tham quan trong hành trình khám phá Bát Xát.

Đền Mẫu Trịnh Tường

Từ trung tâm chợ, du khách di chuyển 3km sẽ đến Suối nước nóng Bản Mạc (Bản Trung). Đây là suối nước nóng tự nhiên có nhiên có nhiệt độ trung bình 44 độ C, là điểm đến thường xuyên trong những ngày đông giá rét của người dân địa phương cũng như nhiều du khách. Ngoài ra, người dân còn truyền tai nhau nguồn nước nóng ở đây tốt cho việc điều trị một số bệnh ngoài da, các bệnh về thần kinh hay tim mạch…Hiện nay, nơi đây mới đang trong giai đoạn mới quy hoạch nên còn rất hoang sơ và chưa có các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

 Suối nước nóng Bản Mạc

 Điểm đến tiếp theo là Thác Rồng – Tùng Chỉn 3, di chuyển từ suối nước nóng đến điểm này khoảng 6km và xe máy có thể đến tận chân thác. Thác Rồng được người dân địa phương và vùng lân cận biết đến từ rất lâu rồi, là điểm đến thường xuyên của bà con nhân dân trong những ngày nắng nóng và là điểm đến cuối tuần để cắm trại, trải nghiệm của các hộ gia đình. Đây là điểm đến tự phát, nên chưa có các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Vì vậy, trước khi đến đây du khách nên tìm hiểu kĩ và chuẩn bị các đồ đạc cần thiết như đồ ăn, nước uống.

 Thác Rồng Tùng Chỉn 3

Tiếp tục hành trình khám phá là bản Lao Chải – thôn cao nhất của người Hà Nhì giáp với thôn Phìn Hồ của xã Ý Tý, nên khí hậu ở đây không khác gì Ý Tý với nhiệt độ mát mẻ quanh năm, mùa đông lạnh có thể đóng băng thậm chí có tuyết rơi. Lao Chải là địa bàn sinh sống của người Hà Nhì với những ngôi nhà được làm bằng đất có hình như những cây nấm khổng lồ ẩn hiện trong sưong mờ buổi sớm, mái được lợp bằng cỏ hoặc gianh. Trải qua thời gian dài mái gianh được phủ rêu xanh, càng tạo thêm nét cổ kính cho vùng đất này. Lao Chải có không khí trong lành, những khu rừng già hàng trăm tuổi và nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cộng đồng dân cư nơi đây cũng được gắn kết bởi tình làng nghĩa xóm và bởi các hương ước được gìn giữ tốt nhất hơn bất kì nơi nào khác.

Nhà trình tường - đặc trưng của người Hà Nhì

Mặc dù các điểm trên mới được khám phá và biết đến trong những năm gần đây, nhưng với tiềm năng sẵn có của mình, trong tương lai Trịnh Tường sẽ có cơ hội trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách trên cung đường khám phá Bát Xát.


Mò Ngoãn, Tổ quản lý du lịch

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1