Gặp lại Lũng Pô

XĐT- Trong dịp hè nhiều gia đình đều lựa chọn đi du lịch đến các vùng biển, các điểm nghỉ dưỡng hay ra nước ngoài…nhưng cũng có những gia đình, các cụ ông cụ bà muốn đưa con cháu đến thăm lại chiến trường xưa đầy kỷ niệm – vùng đất Lũng Pô, A Mú Sung nơi họ từng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nơi nhiều đồng đội của họ vĩnh viễn nằm lại hay cả những câu chuyện còn dang dở với lời hứa sẽ quay trở lại mà hơn 40 qua đi chưa thể thực hiện được.

Cuối hè, Lũng Pô vẫn đón cái nắng nóng oi ả và cũng đón chuyến xe du lịch đưa các cựu chiến binh cùng gia đình đến thăm quan, ôn lại kỉ niệm xưa cho các con các cháu cùng nghe về một thời giữ gìn và bảo vệ biên giới đầy hào hùng. Xuống xe tất cả mọi người đều cùng nhau đến gian thờ dâng hương cho Bác cùng các anh hung liệt sĩ, các anh hùng vô danh đã chiến đấu hi sinh để giữ gìn từng tấc đất biên cương, bảo vệ sự yên bình cho mảnh đất này. 

Một góc bản Lũng Pô

Giữa cái nắng ấy, các cụ tập trung giữa sân cột cờ đứng trang nghiêm mắt cùng hướng về lá cờ đang bay phấp phới trên kỳ đài như khẳng định biên giới quốc gia luôn được vững chắc trong mọi hoàn cảnh. Sau khi leo 125 bậc thang hình xoắn ốc lên đỉnh cột cờ, những người lính cũ ấy thả hồn theo dòng sông Hồng chảy cuồn cuộn về xuôi. Theo dòng chảy ấy, họ lại ngược dòng chảy lịch sử về 43 năm trước. Lúc đó, họ chỉ là những người lính còn rất trẻ, có người đã có gia đình, nhưng cũng có những người còn chưa có người người yêu đang thầm thương trộm nhớ cô gái vùng cao mà chưa dám ngỏ lời. Đa số họ đều là người miền xuôi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên làm nhiệm vụ gìn giữ biên cương của Tổ quốc, giữ gìn từng tấc đất biên cương.

 Ngày trở lại tóc đã chuyển sang màu hoa râm

Giọng chầm chậm, các cụ kể cho các con, các cháu nghe về thời điểm đó, ta và nước bạn có nhiều khu vực còn chưa phân định rõ ràng, có những khu vực tranh chấp 15cm đất nhưng đàm phán 3 lần không thành công. Nghe họ kể về chính sách lấn đất của chính quyền nước bạn, khu vực biên giới nơi có đồng bào dân tộc sinh sống có nhiều gia đình kết hôn xuyên biên giới với nước bạn chỉ cách nhau qua con suối, hay có những dòng họ 2 bên biên giới là anh em họ hàng với nhau, họ cùng nhau sinh sống yên bình cùng làm nương đồi rồi sau này mua bán lại cho nhau. Rồi theo thời gian, chính quyền nước bạn đã mạnh tay coi đó là của mình trong chiến tranh biên giới năm 1979 gây bao đau thương mất mát cho người dân dọc tuyến biên giới khiến bao chiến sĩ hi sinh phải vĩnh viễn ở lại mảnh đất này. Máu của họ thấm đẫm vùng đất này để hôm nay cỏ cây lại mọc xanh tốt trên mảnh đất ấy như khẳng định rằng sự hi sinh của họ không hề vô nghĩa, mà đã đổi lại được sự bình yên cho thế hệ hôm nay.

 Trầm tư khi kể cho các cháu những câu chuyện xưa

Có cựu chiến binh đuôi mắt còn sẹo dài hỏi về bản “mìn mười cân” nơi cụ bị thương và được người dân bản địa cứu giúp, nơi có cô gái cụ thầm thương khi ở đó chữa vết thương. Nhưng qua thời gian dài địa giới hành chính giữa các địa phương có nhiều thay đổi và nhiều bản được sáp nhập với nhau nên cái tên cũng thay đổi. Còn người ân nhân cứu giúp cụ có lẽ đã rất nhiều tuổi không biết còn sống hay đã mất, người cụ thương có lẽ cũng đã lập gia đình ở đâu đó hoặc không còn trên đời này nữa. Cụ kể là đã từng hứa sau khi biên giới bình yên sẽ quay lại đây cảm tạ nhưng không ngờ lời hứa ấy kéo dài hơn 40 năm và việc tìm lại người xưa cũng không hề dễ dàng.

Lực lượng bộ đội biên phòng và an ninh địa phương tuần tra thường xuyên

Thời gian thấm thoát trôi qua đã gần nửa đời người mới được quay trở lại chiến trường cũ, mỗi cựu chiến binh đều không khỏi bùi ngùi xúc động. Nơi đây không còn là vùng lau sậy um tùm khiến việc di chuyển tuần tra còn khó khăn nữa, mà đã được người dân khai hoang trồng sắn. Có cột cờ Lũng Pô đứng sừng sững khẳng định chủ quyền của nước ta vùng biên ải, biên giới trên đất liền cũng được 2 bên cùng nhau cắm mốc, tạm thời được bình yên.

Mò Ngoãn, Tổ quản lý du lịch

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1