Chênh vênh Ngải Thầu Thượng

BXĐT- A Lù là xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát cách thành phố Lào Cai 70km. Ở đây có thôn cao nhất Việt Nam - Ngải Thầu Thượng 2300m. Ngải Thầu tiếng địa phương là “mũi đá”, nhô ra trên đỉnh núi Ma Cha Va hùng vĩ bốn mùa sương trắng, gió trời lồng lộng. 

Đứng ở mũi đá Ngải Thầu Thượng nhọn hoắt đâm thủng tầng mây, thung lũng Thiên Sinh, ruộng bậc thang Thề Pả của người Hà Nhì, người H’Mông trải dài mênh mông, bất tận. Bên cạnh “mỏm đá sống ảo”, cây cô đơn ở ngã ba đường vào Cán Cấu cũng là một địa điểm check – in được du khách săn đón. Cung đường lên đến thôn bản của người H’Mông ở Ngải Thầu Thượng khi thì dát vàng, khi lại óng ánh như gương trời, bởi những thung lũng xa hút tầm mắt chênh vênh bên sườn núi.

Biển mây bất tận ở Ngải Thầu Thượng

Đặc biệt, những ngày cuối tháng giêng hoa đào hoa mận thi nhau khoe sắc lấp ló, ẩn hiện sau những tầng mây. Thi thoảng, một vài tia nắng mạnh mẽ tách mây toả sáng cả một vùng sau khoảng thời gian dài bị che lấp. Ngoài ra, đến với bản của người H’Mông, du khách không khỏi trầm trồ trước những cây đào rừng thẳng tắp như cây xoan, cành nào cành nấy sai trĩu… hoa. Tuyệt nhiên, trên những cây đào rừng cổ thụ ấy không có sự xuất hiện của bất kỳ chiếc lá nào.

 Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ cùng không khí trong lành khiến người miền xuôi thi nhau hít hà, quyến luyến vì sắp phải chia xa. Một số du khách phải thốt lên rằng: “Quãng đường A Mú Sung, A Lù là thử thách lớn với dân lái xe, đường lầy lội chưa kể sương giăng kín lối, tầm nhìn xa bị hạn chế… nhưng cảnh sắc nơi đây khiến cả đoàn thấy thực sự xứng đáng, mệt mỏi cũng theo gió mà bay mất”….

 Để chống lại giá rét người H’Mông ở Ngải Thầu Thượng sinh sống trong những ngôi nhà tường đất dày gần 1m, cả cửa chính và cửa sổ đều nhỏ. Trong nhà mỗi hộ dân đều có một bếp củi để chống lại cái rét khắc nghiệt của mùa đông.

 Mùa săn mây lý tưởng kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Tuy nhiên, hình thái biển mây mỗi lúc, mỗi ngày một khác nhau khiến cho du khách chưa quay về đã hẹn ngày gặp lại. 

 Ngoài mây, nơi đây còn thu hút du khách bởi những rừng cây tống quán sủ cổ thụ, rêu phong ẩn hiện trong biển mây mờ ảo. Theo tiếng dân tộc H’Mông, tống quá sủ có nghĩa là cây sống được qua mùa đông (tống quá sủ là cây qua đông: Sủ là cây, tống là đông, quá là qua). Những hàng cây cao vút đâm thủng biển mây vừa tô điểm cho núi rừng vừa khẳng định sức sống không chịu khuất phục trước gió mưa, giông bão.

 Thôn Ngải Thầu Thượng có phần đông đồng bào H’Mông sinh sống, nằm cheo leo trên đỉnh núi. Khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình, bản sắc văn hóa đặc sắc làm say lòng du khách thập phương. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào H’Mông đã có đường bê tông vào tận thôn. Người dân cùng nhau góp sức làm đường liên gia đến từng nhà.

 Sau khi ĐA 05 “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025” được triển khai, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và tổ chức. Cho dù quãng đường di chuyến đến Ngải Thầu Thượng còn gập ghềnh khó đi, nhưng lãnh đạo huyện Bát Xát đang có quyết tâm cao, muốn biến bản cao nhất Việt Nam thành địa điểm “săn mây” có 1-0-2 kết hợp du lịch trải nghiệm.


Ngọc Quỳnh – Tổ quản lý du lịch

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1