Người giữ “hồn cốt” dân tộc Dao trên mảnh đất biên cương

 

    BXĐT- Những ngày cuối năm, trên mảnh đất biên cương, chúng tôi gặp một người đã có hơn 37 năm nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao tới thế hệ những người kế cận và cộng đồng địa phương. Ông là Nghệ nhân Chảo Duần Liềm– một “kho tàng sống” về văn hoá dân tộc Dao thuộc thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát. 

anh tin bai

Ông Chảo Duần Liềm là người luôn truyền cảm hứng về tình yêu văn hóa, phong tục truyền thống đến mọi người Dao nơi đây

 

    Trong ngôi nhà nhỏ, bên gian bếp ấm cùng người vợ tảo tần luôn ở bên chăm sóc và ủng hộ, Ông Chảo Duần Liềm vẫn ngày đêm miệt mài dành thời gian tâm huyết để nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc mình.

    Sinh ra trong gia đình có nền tảng văn hoá truyền thống là những người truyền dạy chữ Nôm-Dao và am hiểu về tín ngưỡng phong tục tập quán dân tộc, nên từ nhỏ ông đã học thông viết thạo rất nhiều loại sách khác nhau. Khi chúng tôi đến nhà, ông liền lấy ra những cuốn sách cổ được viết bằng chữ Nôm Dao trong chiếc tủ gỗ cũ được khoá lại rất cẩn thận. Ông bảo đó là những tài liệu, cuốn sách được ông nội và cha của ông để lại. Tất cả những phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào Dao được viết gọn trong những cuốn sách. Đó là những cuốn sách dạy về viết chữ, cách sống, dạy cách xưng hô, ứng xử, văn hoá, đạo đức ở đời và các bài cúng vô cùng giá trị, với ông nó là “báu vật” vô giá.

    Từ năm 26 tuổi, ông đã lĩnh hội đủ các triết lý sống và thấm nhuần tư tưởng đạo đức, giáo lý, tinh thông nội dung trong các cuốn sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca và nhiều bài khấn trong sách cổ. Đặc biệt, ông đã thuần thục cách thức chuẩn bị, thực hành nghi lễ cấp sắc 3, 7, 9, và 12 đèn. Ngoài ra, ông còn  biết viết sớ bằng chữ Nôm Dao, vẽ tranh thờ. Với vốn chữ Nôm - Dao thành thạo, ông Chảo Duần Liềm đã sưu tầm, viết, biên soạn các cuốn sách dạy chữ viết Nôm - Dao, sách về tâm linh, luật tục, tập tục của người Dao cho cộng đồng ở địa phương.
 

anh tin bai

Ông thuần thục mọi cách thức thực hành trong nghi lễ cấp sắc 3, 7, 9, và 12 đèn

 

    Trước thực tế số đông người dân tộc Dao, không chỉ các em nhỏ mà ngay cả nhiều người trung niên, cao tuổi không am hiểu và biết viết, đọc chữ Nôm - Dao cổ của dân tộc mình. Với tâm nguyện truyền dạy chữ viết để lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người Dao cho các thế hệ mai sau, ông Liềm bắt đầu dạy chữ Nôm - Dao cho con cháu trong gia đình, dòng tộc và nhân dân trong vùng và các địa phương lân cận biết đọc, viết chữ Nôm - Dao cổ, những phong tục tập quán... của dân tộc Dao bằng phương pháp học cổ truyền. Đến nay, hầu hết mọi người Dao trong xã và một số người Dao xã bên sau khi theo học ông đều am hiểu rõ về ngôn ngữ, chữ viết, tập tục của người Dao và có thể truyền dạy các tri thức của người Dao cho những người xung quanh.

    Lớp học dạy chữ Nôm - Dao của ông Liềm được xây dựng theo phong tục của dân tộc, đó là có vị trí cao, phía trước mặt là không gian thoáng đạt có thể phóng tầm mắt ra xa. Lớp học mới đầu chỉ có hơn 10 học trò là các con cháu trong nhà, rồi dần lớp học thu hút nhiều bà con trong thôn tới học. Các học trò tới nhà học góp gạo, rau, củi, sách, bút, mực và ăn chung, ngủ chung với gia đình ông. Ông Liềm chia sẻ: mình dạy các em bằng cả cái tâm và tấm lòng của người con dân tộc Dao nên không nhận tiền của các em. Tiếng lành đồn vang xa, nhiều người từ các thôn, xã khác lân cận cũng về gặp xin theo học chữ Nôm - Dao. Trải qua nhiều năm như vậy đến nay ông Liềm đã trở thành "người thầy của rất nhiều thế hệ học trò" trong đồng bào Dao tại Bản Xèo, Trịnh Tường, A Mú Sung, Sa Pa và các địa phương khác. 
 

anh tin bai

Ông Liềm đã trở thành "người thầy của rất nhiều thế hệ học trò" trong đồng bào Dao tại Bản Xèo, Trịnh Tường, A Mú Sung, Sa Pa và các địa phương khác.

 

    Em Tẩn Láo Tả (sinh năm 2000), là học trò của ông Liềm cho biết: “Lớp học của thầy Liềm mở ra dân Bản Xèo chúng em ai cũng vui mừng, phấn khởi. Chúng em sẽ cố gắng học những kiến thức, chữ viết cũng như phong tục tập quán dân tộc mình để giữ gìn văn hoá dân tộc cũng như sẽ truyền lại cho các thế hệ con cháu về sau sẽ được học chữ, học những lễ nghi, phong tục tập quán của ông cha để không bị mai một”. 

    Tại lớp học của thầy Liềm, các học sinh không chỉ được học về chữ viết Nôm - Dao cổ mà còn học các làn điệu dân ca Dao như: Hát đối đáp giao duyên và hát trong các lễ  đám cưới Dao như: Múa chuông, điệu nhảy, hát mời rượu…

    Được bà con trong thôn yêu mến và tin tưởng bầu làm người uy tín trong thôn và tham gia công tác mặt trận của thôn. Ông tích cực không kể ngày đêm, mưa nắng đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân cho các con em theo lớp học và trực tiếp dạy chữ viết cổ Nôm Dao, giảng giải về phong tục tập quán, đạo làm người...đến nay ông đã tổ chức dạy được cho 150 học trò, một trong số học trò của ông hiện tại đã trở thành thầy cấp sắc uy tín của vùng. Đặc biệt, ông Liềm cũng đã từng cung cấp thông tin phong tục tập quán, nghi lễ cấp sắc phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản của sở văn hoá tỉnh Lào Cai.

    Nghệ nhân dân gian-họ chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai. Họ có vai trò quan trọng trong việc tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ - đội ngũ sẽ kế thừa và bảo tồn những giá trị đó trong tương lai. Nhờ vậy mà các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Dao ở xã Bản Xèo nói riêng và các dân tộc của huyện Bát Xát nói chung tiếp tục được cộng đồng trân trọng, giữ gìn. Tuy vậy, để duy trì “ngọn lửa” văn hoá phong tục của các dân tộc trên địa bàn huyện cũng cần phải quan tâm tới những người “giữ lửa”.

    Ông Đoàn Trung Hiếu, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát cho biết: “Thời gian qua, huyện Bát Xát đã có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung. Trong đó, chúng tôi đã bảo tồn và phát triển truyền dạy chữ Nôm Dao và tập quán tín ngưỡng, nghi lễ cấp sắc qua việc thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, tổ chức các lớp học lưu truyền phổ biến hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các dân tộc, và đóng vai trò nòng cốt đó là các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kiến nghị để có những giải pháp và chính sách phát triển về văn hóa dân tộc, trong đó đề xuất giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân cũng như bảo tồn tập quán tín ngưỡng dân tộc Dao trên địa bàn huyện”.

    Với những người đang miệt mài giữ hồn dân tộc như nghệ nhân Chảo Duần Liềm, dù có hay không được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhưng họ vẫn sẽ vẹn nguyên đam mê, miệt mài với công tác bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Bởi với họ, giữ hồn dân tộc không phải chỉ vì tình yêu, tâm huyết mà còn là trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình, với xã hội và thế hệ nối tiếp, để mạch chảy văn hóa truyền thống của người Dao mãi được giữ gìn đến muôn đời sau.


Hồng Nhung- Tổ QLDL

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1