Người Giáy Bản Qua khôi phục Lễ cúng rừng “Đoong Sía”
Cùng với các Lễ hội khác của đồng bào các dân tộc trong huyện; Từ xa xưa Lễ cúng Thần rừng “Đoong Sía” của người Giáy xã Bản Qua huyện Bát Xát, là dịp để người dân gửi gắm một mong ước, những hy vọng cho một năm mới no đủ, gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Có thể nói, lễ cúng rừng là một nghi lễ quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Giáy nơi đây.
Khu rừng cấm thôn Bản Vền xã Bản Qua
“Doong Sía” theo tiếng Giáy có nghĩa “Rừng có Thần”, theo tích xưa để lại, khi người Giáy về đất Bản Qua lập nghiệp có 4 đội nay là 4 thôn gồm Bản Vền, Cốc Cài, Tân Hồng, Hải Khê, có mang theo 6 viên đá tượng trưng cho 6 lĩnh vực trong xã hội được đặt theo các tên gọi khác nhau đó là: Lở Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực quân sự; Phan Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực nông nghiệp; Sử Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực Y Tế; Ú Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực Chăn nuôi; Lù Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực thư ký, ghi chép; Sì Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực Lâm nghiệp. Từ đời này qua đời khác 6 viên đá được đặt xung quanh vị trí thờ tự cao nhất “thảy Pướng” là người cai quản làng, xã. Với người Giáy nơi đây, Lễ cúng Thần rừng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong suy nghĩ cũng như trong tiềm thức của họ, các vị Thần luôn phù hộ cho cuộc sống của con người.Thầy cúng Hoàng A Bình – Thôn Bản Vền xã Bản Qua: “Từ xa xưa, hàng năm cứ vào ngày cuối cùng của tháng giêng Âm lịch người Giáy Bản Qua đều tổ chức Lễ cúng các vị Thần trong khu rừng cấm; cầu mong cho một năm no đủ, gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi....” 
Thầy cúng làm Lễ trước các đấng thần linh

Nơi tổ chức Lễ cúng là khu vực rừng cấm thuộc thôn Bản Vền xã Bản Qua. Lễ vật được dâng lên cúng các vị thần không đòi hỏi cầu kỳ mà tùy thuộc vào nguyên liệu có sẵn như: Xôi, rượu, thịt lợn, gà, Vịt, vàng hương. Các phẩm vật được bày nơi thờ tự cao nhất phải có đầy đủ bộ phận của Lợn ,gà, Vịt. Mọi người dân sẽ cùng đóng góp tiền mua lễ vật và mời thầy cúng. Mỗi gia đình cử một đại diện, thường là chủ nhà là đàn ông mang lễ vật đã chuẩn bị trước đến tham dự. Chủ trì lễ cúng là Thầy cúng do người dân trong làng lựa chọn từ trước. Thầy cúng phải là người Giáy trong thôn, có uy tín, am hiểu phong tục, được người dân nể trọng. Thầy cúng này cũng sẽ là người được các gia đình mời đến cúng khi có việc quan trọng. Sau khi thầy cúng làm lễ xong mọi người sẽ cùng nhau bày cỗ ăn tại trong khu rừng cấm; nhưng chỉ được bày 7 mâm, dù số lượng người đông hay ít. Đây cũng là dịp để người dân trong làng bày tỏ lòng biết ơn tới các vị Thần và tổ tiên của họ, đồng thời gặp gỡ, giao lưu gắn kết với nhau trong cộng đồng người Giáy.
Trên 200 hộ dân người Giáy tập trung trong khu rừng cấm

Tuy nhiên từ khi đất nước xảy ra chiến tranh Biên giới người dân nơi đây phải đi sơ tán; chính vì vậy Lễ cúng rừng Đoong Sía bị mai một, không được duy trì thường xuyên cho đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Tâm – Phó chủ tịch UBND xã Bản Qua cho biết: “Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đảng bộ xã Bản Qua đã ra Nghị quyết cho phép, động viên cộng đồng người Giáy trong xã khôi phục Lễ cúng rừng Đoong Sía, nghi lễ tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào người Giáy. Việc khôi phục Lễ cúng rừng của người Giáy sẽ là khởi nguồn cho các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào người Giáy trên địa bàn xã trong tổ chức các sự kiện lớn như Lễ, Tết, được phép thổi Pí lè trong đám cưới, đám hỏi...”. Điều đặc biệt, khi Lễ cúng rừng Đoong Sía kết thúc, trong năm khi gia đình nào có việc hiếu, hỷ, đều phải sắm một mâm lễ đặt trước Nhà hướng về Đoong Sía mời thầy cúng về làm lễ cầu cho mọi điều may mắn sẽ đến với gia đình gia chủ.
Người dân hưởng lộc sau khi làm lễ

Lễ cúng thần rừng của người Giáy không chỉ mang giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên. Đồng thời góp phần giới thiệu đến du khách gần xa những phong tục tập quán, những lễ hội riêng của người Giáy. Việc tổ chức hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy một Lễ hội mang bản sắc của địa phương; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc, tinh hoa, văn hóa của đồng bào các dân tộc. 
Quang Phấn
Trung tâm Văn hóa, TT-TT Bát Xát

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1