Lễ hội “Khu già già” của dân tộc Hà Nhì Trịnh Tường Bát Xát

Có mặt tại thôn Tả Suối Hồ xã Trịnh Tường vào lúc 11 giờ  trưa, 18/7 (tức ngày 6 tháng 6 âm lịch) khi con trâu tế thần của thôn đã được mổ xong tại một cái lán nhỏ mới làm ở ngay trước cổng làng; mái lợp cỏ tranh còn tươi nguyên, họ gọi đó là nhà công viên.

 Con Trâu này hơn một tạ thịt đấy, cán bộ xem này sừng nó dài gần hai gang tay, con trâu này 3 tuổi rồi cán bộ đến muộn quá, trâu mổ xong hết rồi không quay phim chụp ảnh được rồi cán bộ à!”.

Anh So Thó Giờ thôn trưởng thôn Tả Suối Hồ xã Trịnh Tường cho biết: Năm nào cũng tổ chức lễ ăn tết vào ngày Thìn còn lễ hội cầu mùa tổ chức vào ngày Tỵ (hôm sau), mỗi gia đình cử một người lên núi lấy gỗ, cắt cỏ gianh đem về lợp lại mái lán hoặc làm mới nhà công viên để cúng thần.

Cả làng đóng góp mua một con Trâu đó là một con Trâu đực to, màu đen, làm lễ mổ Trâu xong chia đều cho mọi nhà về cúng bàn thờ tổ tiên, từ khi chuẩn bị đến khi tổ chức lễ hội ít nhất phải hai đến ba ngày.

Hôm sau, ngay từ sáng sớm tiếng chày giã bánh Giày của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản. Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm dẻo, do chính gia đình tự trồng cấy được trong năm, gạo được cho vào chõ đồ chín và mang vào cối giã đạp chân của thôn, cả thảy có gần chục người cùng giã. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì cùng nặn bánh Giày theo dạng mỏng, tròn rồi lấy lá Chuối ốp vào hai mặt cho mịn, do lá Chuối rừng giữ được độ ẩm lâu và khi bóc bánh ra ăn hoặc rán lại bánh không bị dính vào lá.

 Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một ống ruợu, thịt Trâu, cùng các sản vật đủ 10 món do chị em phụ nữ chế biến. Gia đình anh Phà Seo Sang là một thầy cúng lâu năm của thôn, hôm nay nhà anh làm lễ cúng tổ tiên sớm hơn mọi nhà, sau khi cúng song mỗi thành viên trong gia đình đều được chủ nhà gắp cho một miếng thịt chín để ăn “làm may mắn”,  khắch đến nhà vào lúc này cũng được mời  ăn một miếng như các thành viên trong nhà.

Sau khi cúng xong, mâm cơm được bày ra, chủ nhà chúc tất cả mọi người những điều tốt lành, mạnh khỏe rồi sau đó cùng ngồi quây quần ăn cơm, uống rượu...

Sáng hôm sau không kể già trẻ, mỗi hộ đều có một người tham gia lấy gỗ, dây sắn rừng, người thì làm mộc người thì đào hố dựng cột trụ bập bênh cao ngang đầu người. Số đông người bên này dựng cột néo dây rừng để làm cái dây đu chắc chắn đảm bảo cho hai đến ba người lớn cùng đu mà vẫn an toàn.

Tối hôm đó vào đúng ngày Thìn tại khu nhà công viên, lễ cúng thần đã được tiến hành, với hai thầy cúng cùng vái lạy trước cái cột bập bênh. Cả thôn có 10 mâm cơm đại diện cho các dòng họ, mỗi mâm đều có đủ 10 món được đựng bằng những cái bát ăn cơm. Thầy cúng đến từng mâm cúng của các dòng họ gắp mỗi món một ít cho vào mâm cúng chung ở dưới cột bật bênh. Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, đến phần hội thầy cúng chính là người khai mạc, đu ba vòng ở bập bênh và đu dây đủ 3 lắc, sau đó các thành viên khác mới được chơi. Lúc này khi màn đêm đã tràn ngập bản làng, các “A Nhí” đang tuổi thiéu nữ (A Nhí là danh từ chung mà cha mẹ thường gọi người con gái Hà Nhì từ khi sinh) kéo đến mỗi lúc một đông, cuộc vui cứ thế tiếp tục… Những đàn ông trung tuổi thì tập trung vào mâm ruợu chúc tụng cho nhau sức khoẻ đến tận khuya. Những người cao tuổi trong thôn cho biết ngày xưa còn tổ chức Hội chùm chăn trong đêm lễ hội để cho trai gái đến tuổi cặp kè được tự do yêu đương, nhưng do ngày nay không còn phù hợp nữa nên chỉ khi quay phim, chụp ảnh “mới làm lý thôi. Chúng nó cũng sấu hổ lắm!”.

Người Hà Nhì hầu hết ở trên núi cao nên đều sản xuất một vụ lúa, những ngày tháng 6 âm lịch này là thời gian lý tưởng để tổ chức lễ hội. Ngày nay họ còn tổ chức nhiều trò chơi, văn nghệ, múa hát. Thanh thiếu niên nam, nữ có thể chơi bập bênh, đu quay nhiều ngày tiếp sau đó.

Thôn Lao Chải cách trung tâm xã Trịnh Tường tới hơn hai tiếng đồng hồ đi bộ, là một thôn lâu đời hơn so với thôn Tả Suối Hồ nên đến nay còn giữ được nhiều bản sắc văn hoá riêng của người Hà nhì. Được sự giúp đỡ của xã và đơn vị bộ đội Biên phòng 263, sau khi tổ chức xong các nghi lễ, nhân dịp này thôn đã tổ chức ngày hội văn hoá, đội văn nghệ là những chàng trai cô gái của thôn. Với các tiết mục đặc sắc như đánh đàn Nguyệt, kéo Nhị, thổi Khèn lá, hát dao duyên kết hợp với những điệu múa hiện đại. Tiết mục nhảy hip-hop của chàng trai Hà Nhì Lý Sa Se - sinh viên trường đại học sư phạm Tây Bắc, người Hà Nhì đầu tiên của xã Trịnh Tường đi học đại học ngành sư phạm, anh sinh viên này đang là fan hâm mộ của các  “A  Nhí” xinh đẹp.

Sau khi tổ chức xong các tiếp mục văn nghệ, thôn trưởng Lý Giá Se dẫn chúng tôi đi xem trai gái đu quay ở khu công viên. Công viên của thôn Lao Chải được làm bằng gỗ chắc chắn, sử dụng làm khu vui chơi từ năm này sang năm khác. Như muốn giới thệu về nét đẹp của thôn Lao Chải ông dẫn chúng tôi đi quay phim các ngôi nhà trình tường của thôn, 53 hộ dân của thôn lác đác vẫn còn vài ngôi nhà lợp bằng lá cỏ Tranh nhưng nhà được làm to, cao, trình tường vững chắc và  vuông vắn. Trên mái nhà mọc vài đám cỏ và rêu màu xanh nhạt.  Họ bảo những ngôi nhà như thế  vào mùa hè mát hơn nhiều so với lợp ngói Brô-xi-măng, nên họ chưa muốn lợp ngói, như thế mới đúng với bản sắc của người Hà Nhì, hơn nữa mái lợp cỏ Tranh dày cũng được hàng chục năm mới phải lợp lại.

Nhìn lại khu công viên, lúc này đã quá 12 gờ trưa mà mọi người vẫn say xưa với những Đàn, những Nhị; trai gái vẫn nô đùa trên chiếc đu và bập bênh, là hai trò chơi chính trong ngày hội “Khu già già”  những tiếng reo hò tán thưởng cho nhưng đôi trai, gái đu dây khoẻ và cao nhất. Những trò chơi đu quay, nhảy sạp của các chàng trai, cô gái Hà Nhì như muốn níu chân mọi người ở lại vui cùng lễ hội “Khu già già”. Người xem hội cũng phần nào cảm nhận được sự ấm cúng no đủ  của  người dân  Hà Nhì Lao Chải. Họ sống hiền hậu, vô tư và mến khách, không hề suy tính vồ vập hay bon chen.                                  


 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1