Bát Xát gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn

BXĐT- Những năm qua công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Bát Xát coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Các lớp dạy nghề được lựa chọn theo nhu cầu; với phương châm “cầm tay, chỉ việc”, dễ áp dụng vào thực tiễn từ đó giúp người lao động sau khi học nghề có thể ứng dụng vào sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

 Người lao động có việc làm ngay sau đào tạo

Năm 2019, sau khi tham gia lớp dạy nghề xây dựng tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bát Xát, anh Nguyễn Văn Ngàn, thôn Làng Quang, xã Quang Kim đã mạnh dạn thành lập đội thợ xây với 12 thành viên, nhận các công trình xây dựng tại địa phương thi công. Đa số các thành viên trong đội đều đã tham gia học các lớp nghề xây dựng. Áp dụng kiến thức từng học vào thực tế, từ nhận các công trình nhỏ tại địa phương nay anh Ngàn đã xây dựng được đội thợ có tay nghề cao, nhận được nhiều công trình lớn. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong thôn, trong xã; tăng thu nhập cho gia đình, đời sống vật chất ngày càng khấm khá hơn. Anh chia sẻ: “Kết thúc khóa học đó đã có nhiều anh em phối, kết hợp cùng tôi thành lập đội xây dựng và đã giúp đỡ gia đình nhiều lợi ích về kinh tế”.

Dạy nghề trồng rau an toàn cho lao động nông thôn

Có mặt tại lớp dạy nghề trồng rau an toàn đang được Trung tân GDNN - GDTX huyện Bát Xát tổ chức tại xã Trịnh Tường chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình tham gia học tập của bà con nơi đây. Lớp học có sự tham gia của 35 học viên là là người dân tộc thiểu số của thôn Bản Trung. Trong thời gian 2 tháng các học viên sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về kỹ thuật trồng rau an toàn như: Kỹ thuật làm đất, bón phân, các nguyên nhân ô nhiễm rau; kỹ thuật gieo giống, quản lý dịch hại, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm rau sau thu hoạch… Kết thúc khóa học các học viên sẽ được cấp Chứng chỉ nghề và có thể tổ chức quản lý, sản xuất rau an toàn có hiệu quả theo đúng quy trình, tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.

Chị Vàng Thị Nhục - Thôn Bản Trung, xã Trịnh Tường chia sẻ: “Trước đây chị em chúng tôi chưa có kỹ thuật trồng rau, chủ yếu là trồng theo kinh nghiệm của ông, bà để lại. Bây giờ chị em chúng tôi đã được học và áp dụng kỹ thuật trồng rau an toàn để sau này phát triển kinh tế trong gia đình”.

Lớp nhà hàng, khách sạn

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, luôn chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Trong đó đặc biệt ưu tiên cho các xã chuẩn bị hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và lao động nông thôn thuộc gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng huyện đã tổ chức được 05 lớp dạy nghề cho cho 172 lao động nông thôn tại các xã A Lù, Y Tý, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Nậm Pung. Các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là cơ khí, xây dựng, điện dân dụng, kỹ năng du lịch cộng đồng, chăn nuôi, trồng trọt… Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện năm 2021 đạt 54,46%, tạo việc làm mới cho 1.500 lao động.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo học nghề xong có việc làm ổn định, huyện đã tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu căn cứ vào thực tiễn để đào tạo trên cơ sở phát huy, khai thác tốt lợi thế sẵn có của địa phương. Đào tạo nghề ở Bát Xát được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhất là đối với lao động là người dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Thế Cảnh - Phó Giám đốc Trung tân GDNN - GDTX huyện Bát Xát cho biết: “Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hàng năm căn cứ vào nhu cầu đạo tạo nghề của các xã cũng như của người lao động chúng tôi mở các lớp đạo tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Trong công tác giải quyết việc làm chúng tôi thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo”.

 Lớp dạy nghề Điện dân dụng

 Có thể thấy rằng, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Bát Xát. Người lao động sau khi học nghề nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.


Quang Phấn, Trung tâm Văn hóa, TT-TT Bát Xát

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1