BXĐT- Mô hình nuôi dúi thương phẩm của Đoàn viên Lý Láo Sử, sinh năm 1996, ở thôn Ná Nàm, xã Bản Qua, huyện Bát Xát đang cho thấy hiệu quả bước đầu hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đây là một trong những mô hình khởi nghiệp rất đáng quan tâm của thanh niên hiện nay.
Anh Lý Láo Sử đang chuẩn bị thức ăn cho đàn dúi
Bắt đầu bằng việc đi tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi tại các trang trại trong và ngoài huyện, năm 2022 anh Lý Láo Sử đã quyết định đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi dúi với quy mô 100m2 và nhập 26 đôi dúi bố mẹ về nuôi với mong muốn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình và cho bà con trong thôn. Anh cho hay: Ngày trước mình cũng đi tìm việc làm và đã làm nhiều nghề khác nhau, sau một thời gian tìm hiểu thì mình quyết định sẽ nuôi dúi để phát triển kinh tế gia đình.
Những ngày đầu quả thật vất vả, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên đàn dúi phát triển chậm, khiến anh Sử không khỏi hoài nghi. Anh đã chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình chăn nuôi với những người nuôi dúi có kinh nghiệm, tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn. Đồng thời tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, mạng Internet, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi để tìm ra phương pháp chăm sóc phù hợp, nắm vững tập tính của loài vật này, chú trọng chăm sóc từ khâu chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng nuôi cho đến các biện pháp phòng bệnh cho đàn dúi. Sau hơn 1 năm vừa chăn nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, đàn dúi của gia đình đoàn viên Lý Láo Sử đang phát triển tốt và chuẩn bị cho những lứa sinh sản đầu tiên.
Những con dúi được nuôi từ ngày đầu đến nay đã bước vào thời kỳ sinh sản
Từ thực tế cho thấy mô hình nuôi dúi không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đầu ra luôn ổn định, nguồn vốn quay vòng nhanh, trong khoảng 2 năm là cho thu hồi vốn. Anh Sử chia sẻ: Dúi cũng dễ nuôi vì hầu như không có dịch bệnh như những vật nuôi khác, không phải mất nhiều thời gian chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu là tận dụng các loại phụ phẩm có sẵn trong vườn nhà như: thân cây mía, tre, trúc, nứa, bông lau, măng, ngô, khoai, sắn... người nuôi chỉ cần chú tâm đến chuồng trại và chất lượng con giống là có thể phát triển tốt.
Từ hiệu quả bước đầu anh Sử dự định trong thời gian tới sẽ vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại và nhập thêm con giống về nuôi với quy mô lớn hơn để sớm có dúi thương phẩm cung cấp cho thị trường, thu hồi vốn, quay vòng đầu tư.
Anh Lý Láo Sử mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ các bạn đoàn viên và người dân có nhu cầu phát triển kinh tế từ chăn nuôi dúi
Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mà anh Sử còn mong muốn được sẻ chia và giúp đỡ người dân và các bạn đoàn viên thanh niên trong thôn cùng tìm ra hướng đi vững chắc trong phát triển kinh tế để cùng nhau xóa đói, giảm nghèo. Đánh giá về tính khả thi cũng như sức lan toả của mô hình này đối với tuổi trẻ địa phương, anh Phan Văn Chức, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Qua cho rằng: Mô hình nuôi dúi của đoàn viên Lý Láo Sử là một mô hình hứa hẹn sẽ cho nguồn thu nhập khá và đây sẽ là điểm đến để các bạn đoàn viên thanh niên tham quan, học hỏi.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi dúi của đoàn viên Lý Láo Sử là điểm sáng về phong trào thanh niên khởi nghiệp tại huyện Bát Xát. Mô hình đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và được nhiều đoàn viên thanh niên trong huyện tìm đến học hỏi kinh nghiệm để cùng phát triển kinh tế.