BXĐTY- Vào thời điểm Tết, khi hoa đào, hoa mận bắt đầu bung nở, cũng là lúc những thiếu nữ dân tộc Dao, Hà Nhì ở vùng cao Bát Xát diện trên mình bộ trang phục truyền thống để vui xuân, đón Tết. Vẻ đẹp tinh tế, riêng có từ những bộ trang đó đã góp phần điểm xuyết thêm cho bức tranh 54 dân tộc anh em thêm rực rỡ, trọn vẹn của tổng thể hài hòa "bản sắc văn hóa Việt".
Bát Xát có 5 dân tộc chính là Mông; Dao; Kinh; Giáy; Hà Nhì. Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc.
Trong nền xanh của núi, nền xanh của tràm, cùng với những sắc màu thổ cẩm rực rỡ và hoa văn tinh tế, phụ nữ vùng cao đã làm nên những bộ váy áo tôn vẻ đẹp của mình trước thiên nhiên. Trang phục của người hà nhì đen Y Tý có phần trang nhã, tinh tế, cả quần áo, yếm đều có màu đen; Họa tiết trang trí đều có màu xanh hoặc trắng. Nét đặc trưng của thiếu nữ người Hà Nhì đen là mái tóc giả tết bằng len rất đẹp, nó không chỉ tôn lên vẻ đẹp của trang phục mà còn có tác dụng như chiếc mũ che đầu khi mưa, nắng, thuận tiện trong lao động sản xuất.
Phụ nữ Hà Nhì làm đẹp bằng mái tóc giả
Trang phục của người Hà Nhì đen nổi bật với những đường viền lượn cong như sóng nước và mây vờn. Những bông hoa được làm thủ công bằng bạc nổi bật lên trên nền xanh đen của bộ áo. Những chiếc khuy vải cũng được tạo hình bông hoa để liên kết mảnh yếm lại. Khăn đội đầu của phụ nữ Hà Nhì đen cũng để phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh gia đình. Phụ nữ lớn tuổi, đã có gia đình thường vẫn khăn cùng bộ tóc giả khá lớn trên đầu. Người Hà Nhì vất vả trong cuộc sống nhưng họ không quên gìn giữ nét văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của mình đó là bộ trang phục, bởi đối với họ bộ trang phục tượng trưng cho văn hóa, cho vẻ đẹp của riêng dân tộc mình.
Trang phục của người Hà Nhì nổi bật với những đường viền lượn cong
Nghề may, vá, thêu thùa truyền thống đã có từ lâu đời gắn liền với phong tục tập quán và những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Dường như bất cứ người phụ nữ Dao đỏ nào cũng biết luồn kim, se chỉ, tự may trang phục cho cả gia đình. Cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, các em gái người Dao đỏ chỉ khoảng 10 đến 12 tuổi đã thêu thùa thành thạo và tự tay làm ra trang phục cho riêng mình.
Để may một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao đỏ cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi họ phải có sự kiên nhẫn và khéo léo. Thông thường để hoàn thành một bộ trang phục phải mất 1 năm nếu làm nhanh, có khi lên đến 2 năm với người nào làm chậm. Một bộ trang phục truyền thống đầy đủ của người phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Bởi theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Thêu những học tiết cho trang phục Dao
Theo phong tục, phụ nữ Dao Đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Đặc biệt, hai đầu của nẹp ngực được đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ sặc sỡ. Trên áo được phụ nữ Dao đỏ thêu lên những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, động vật. Quần của phụ nữ Dao đỏ được thêu ở đoạn cuối ống giống với phần thêu trên áo để tạo ra một bộ trang phục mang vẻ đẹp thẩm mỹ và rất tinh tế... Do đó, mỗi bộ trang phục khác nhau ở hoa văn, người thêu luôn cố gắng sắp xếp hài hòa, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục sao cho hài hòa, tươi sáng.
Ngoài trang phục chính, người phụ nữ Dao còn ưa dùng đồ trang sức làm cho bộ trang phục của mình thêm sang trọng: vòng cổ, nhẫn, túi ăn trầu, các đồ trang sức bằng bạc hình bán cầu, hình sao 8 cánh.. Trang phục của người Dao Đỏ không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà về nghệ thuật còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc,bố cục cân đối hài hòa, tươi vui trong sáng, góp phần tô điểm thêm cho bản sắc riêng vốn có của dân tộc Dao đỏ.
Trang phục của người Dao Đỏ Phìn Ngan
Mùa xuân, khắp các bản làng của xã vùng cao Bát Xát trở nên sôi động hơn bởi những tiếng cười rộn rã, gọi bạn đi chơi Tết của các chàng trai cô gái. Với những phụ nữ Dao, Hà Nhì thì Tết không chỉ là thời gian sum họp gia đình mà còn là cơ hội thể hiện sự đảm đang, khéo léo, dệt nên những bộ trang phục giàu bản sắc văn hóa dân tộc mình đã được gìn giữ qua bao đời nay.