Đường đá cổ Pavie - Giá trị văn hóa, lịch sử giữa đại ngàn hùng vĩ
BXĐT - Đường đá cổ Pavie do thực dân Pháp xây dựng bằng đá từ những năm đầu thế kỷ XX. Con đường được nối từ thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến thôn Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là một trong những công trình giao thông quy mô lớn gắn liền với mục đích quân sự cũng như khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Con đường lát đá phủ đầy rêu xanh ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh hùng vĩ, hiện cơ bản vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử đang chờ đón du khách đến trải nghiệm, khám phá.
Đường đá cổ Pavie ẩn mình dưới tán rừng nguyên sinh hùng vĩ
Đường đá cổ Pavie nằm ở độ cao khoảng 1.000 m đến 2.500 m so với mực nước biển. Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, núi Nhìu Cồ San được người Pháp lựa chọn xây dựng đồn trú quân sự bởi nơi đây có vị trí chiến lược, là cửa ngõ kết nối với tỉnh Lai Châu. Con đường đá cổ Pavie là một phần minh chứng cho lịch sử đấu tranh bền bỉ, lâu dài của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam khiến cho Thực dân Pháp phải rút toàn bộ quân khỏi khu vực núi Nhìu Cồ San. Đến ngày 01/11/1950, tỉnh Lào Cai được hoàn toàn giải phóng, chính thức chấm dứt cảnh áp bức, đô hộ của thực dân, phong kiến. Từ sau khi giải phóng đến nay, đường đá cổ Pavie vẫn được người dân lựa chọn làm con đường di chuyển chính từ thôn Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát sang bản Sàng Ma Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Trải qua thời gian, đường đá cổ Pavie đã chịu tác động lớn của thời tiết, khí hậu và con người.
Hiện nay, chiều dài tuyến đường còn khoảng 12km. Trong đó trên địa phận tỉnh Lào Cai là 6,4 km, với 4 km đường còn tương đối nguyên vẹn. Đường đá cổ đầy rêu phong, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh và các dãy núi cao hùng vĩ, rất phù hợp với loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá và là nguồn tư liệu thực tiễn quý giá để giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử địa phương. Trong những năm gần đây có rất nhiều lượt khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm, mang lại giá trị lớn cho kinh tế du lịch của Bát Xát. Đồng chí Vương Mạnh Phú, Bí Thư Đảng ủy xã Sàng Ma Sáo cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân mong muốn đường đá cổ Pavie sẽ được công nhận di tích cấp tỉnh, đưa vào khai thác để giúp bà con tăng thu nhập. Từ đó cụ thể hóa các Chương trình, đề án của huyện cũng như Nghị quyết 36 của Tỉnh ủy”.
Khảo sát Đường đá cổ Pavie, đề xuất xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng, khu vực núi Nhìu Cồ San hiện còn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp tự nhiên với những khe suối, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn trở thành nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển loại hình du lịch sinh thái đặc trưng. Bên cạnh đó, ở hai đầu của tuyến đường đá cổ là các bản làng dân tộc Mông, Hà Nhì... sẽ trở thành những điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.
Với những lợi thế ấy, vừa qua UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức chuyến khảo sát, đánh giá tiềm năng, xem xét đề nghị xếp hạng Đường đá cổ Pavie là di tích danh thắng cấp tỉnh. Điều này chắc chắn có ý nghĩa rất quan trọng với địa phương và là động lực để Bát Xát tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức về làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Qua đó, vừa góp phần bảo vệ tốt hơn con đường đá cổ này, vừa thúc đẩy phát triển loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm đặc sắc của huyện Bát Xát trong thời gian tới.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: “Hiện UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Sở Du lịch xây dựng đề án để khai thác toàn bộ các đỉnh núi, công nhận các điểm du lịch cũng như khai thác các thác nước trên toàn bộ hành lang phía Tây này. Tập trung đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là về giao thông. Tôi cho rằng với chiến lược quy hoạch, đầu tư hạ tầng thì tới đây chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn trong việc khai thác tiềm năng du lịch của Bát Xát”
Điểm giáp danh 2 tỉnh Lào Cai - Lai Châu
Con đường đá cổ Pavie như một sợi dây kết nối tiềm năng du lịch giữa hai tỉnh Lào Cai – Lai Châu; một tuyến du lịch giàu triển vọng, đánh thức những trầm tích văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo trên dãy Hoàng Liên hùng vĩ. Nơi ấy vẫn còn đó những lời mời gọi như thôi thúc những du khách ưa thích loại hình du lịch khám phá đến tham quan, trải nghiệm.