BXĐT- Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đỏ Tòng Sành đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Họ quan niệm rằng, Tết là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau cả năm và cúng báo với tổ tiên mọi thành quả lao động, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm.
Mổ lợn làm lễ cúng tết
Ngay từ giữa tháng chạp, đồng bào đã chuẩn bị đồ lễ và cúng Tết. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà sẽ làm mâm cỗ to hay nhỏ cho phù hợp. Đặc biệt, người Dao đỏ Tòng Sành có phong tục mổ lợn làm lễ cúng tết. Gia đình nào có điều kiện sẽ mổ từ 2 đến 3 con lợn, hoặc ít nhất cũng phải 1 con để làm 2 đến 3 mâm cơm cúng tết.
Mâm lễ cúng gồm có thủ lợn, 2 đùi trước và 2 đùi sau, cùng bộ gan, 5 chén rượu, 1 chén nước, một bát gạo, trong có 1 đồng bạc và 1 bát hương, tiền giấy vàng được đặt lên bàn cúng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn gà khỏe mạnh.
Thầy cúng thực hiện các nghi lễ
Sau khi hoàn thành lễ cúng, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm tất niên, bữa cơm sum họp. Sau đó, họ mặc những bộ trang phục truyền thống mới và đẹp nhất để đón giao thừa. Sáng ngày mồng một Tết- mọi gia đình đều chuẩn bị bữa cơm tươm tất để làm lễ cúng đầu năm mới. Sau khi đi chúc năm mới những người trong họ và hàng xóm láng giềng. Tại đây, bên chén trà đầu xuân, người lớn tuổi cùng nhau ôn lại truyền thống và những phong tục, bản sắc văn hóa của dân tộc mình, lớp thanh niên thì chia nhau ra học chữ nho và học thêu.
Phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc Dao đỏ phong phú, đặc sắc, nói lên cội nguồn văn hóa vùng cao đầy tính nhân văn, phản ánh cuộc sống mới sinh động và phát triển. Trên đường đổi mới cùng với các dân tộc anh em, người Dao đỏ Tòng Sành đang vươn lên, cần cù lao động, sống đoàn kết cùng nhau xây dựng thôn bản ngày càng no ấm, hạnh phúc, tạo nên hương vị tết vùng cao thêm đậm đà, đầm ấm.