Đầu xuân tìm hiểu nét đẹp trang phục người phụ nữ dân tộc Giáy Bát Xát - Lào Cai

BXĐT- Trong số các dân tộc anh em cùng sinh sống ở Lào Cai thì người Giáy tập trung chủ yếu ở huyện biên giới Bát Xát, chiếm gần 16% trong tổng dân số của huyện. Họ định cư tại các thôn, bản thuộc các xã Quang Kim, Bản Qua, Mường Hum, Bản Xèo, Mường Vi... Một trong những nét văn hóa đặc trưng dễ nhận thấy nhất chính là bộ trang phục của người phụ nữ.

anh tin bai

 Vẻ đẹp của người phụ nữ Giáy khi mặc áo truyền thống

 Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, chúng tôi qua dịp du xuân tới xã Bản Qua, huyện Bát Xát gặp bà Hoàng Thị Lý ở thôn Cóc Cài- người được ca ngợi khéo tay, hay làm, am hiểu văn hóa dân tộc dáy, nhất là việc thuê thùa, may mặc trang phục truyền thống.

 Năm nay đã bước sang tuổi 65, với chiếc kính lão, cây kéo và chiếc máy khâu của mình bà Lý thậm chí còn chẳng nhớ nổi mình đã may bao nhiêu bộ trang phục cho các “nam thanh nữ tú” người Giáy quê mình. Bà kể: từ năm 13 tuổi bà đã được mẹ dạy cắt may, thêu thùa các loại hoa văn như: rèm cửa, túi vải, mũ vải và làm trang phục trong các nghi lễ Then, trang phục thầy cúng, thầy mo...Ban đầu chỉ là may vá phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình, qua thời gian bà thấy yêu thích công việc này, cùng với sự cần mẫn, sáng tạo nó đã trở thành niềm đam mê của bà Lý. Bà thường bảo với con cháu mình: Bộ quần áo của người Giáy mình đẹp lắm, đặc biệt là chiếc áo giành cho nữ, nó đẹp cả về tính thẩm mỹ và ý nghĩa trong lao động sản xuất.

anh tin bai

 Bà Hoàng Thị Lý, người may trang phục Giáy truyền thống ở xã Bản Qua

 Qua tìm hiểu được biết bộ trang phục nữ của người Giáy ở Bát Xát bao gồm áo và quần riêng biệt. Những chiếc áo được thiết kế dài ngang hông với các màu sắc sặc sỡ làm màu nền như: màu đỏ, màu hồng, màu xanh màu tím… Áo nữ Giáy được trang trí viền cổ tay và viền áo với những đường vải khác màu làm nổi bật lên màu sắc chủ đạo của chiếc áo. Chiếc áo được cài khuy vải bên ngực tựa như chiếc áo dài Việt Nam với chất liệu vải lụa cũng hết sức mềm mại, dịu dàng.

 Với hiệu may nho nhỏ ngay đầu đường vào thôn, chuyên may trang phục và các đồ dùng sử dụng trong ngày cưới để bán cho khách. Hơn 40 năm qua, những bộ trang phục do bàn tay bà Lý cắt may đã nổi tiếng hắp vùng, người Giáy ở Trịnh Tường, Mường Hum, Mường Vi, Quang Kim và nhiều địa phương khác ngoài huyện đã tìm đến hiệu may của bà để có được những chiếc áo mới đẹp như mong muốn.

 Theo bà Lý: Đối với trang phục nữ dành các cho các bé gái đến trường thường được may với nhiều màu sắc sặc sỡ, may rộng ở cả phần thân áo và cánh tay để các em có thể vận động thoải mái, phù hợp với lứa tuổi. Chiếc áo dành cô gái từ tuổi cập kê đến tuổi trưởng thành thì được may triết eo để tạo nét duyên dáng, dịu dàng. Áo dành cho các mẹ, các bà, các cụ thường được may rộng hơn, dài hơn với tông màu trầm, đậm tạo sự kín đáo, uy nghiêm. Đi kèm với những chiếc áo là chiếc quần lụa ống rộng màu đen tạo cho người phụ nữ vẻ mềm mại, thướt tha, uyển chuyển. Sở dĩ chiếc quần lụa của người phụ nữ Giáy thường là màu đen bởi xưa kia, các bộ trang phục truyền thống được mặc hằng ngày, kể cả trong lao động sản xuất nên màu đen vừa phù hợp trong việc phối màu vớinhững chiếc áo cómàu sắc sặc sỡ lại vừa thuận tiện trong sản xuất, sinh hoạt.

anh tin bai

 Áo của các em gái trong độ tuổi đến trường

 So với các dân tộc khác, trang phục người Giáy đơn giản, ít thêu thùa và chỉ có các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo. Phụ nữ Giáy mặc áo có độ dài vừa phải, tay rộng, ở cổ tay áo đắp những miếng vải khác màu sặc sỡ.Đi cùng với bộ trang phục truyền thống Phụ nữ Giáy vấn tóc kiểu vành khuyên, choàng lên trên là chiếc khăn vuông sặc sỡ tương xứngtương xứng với đôi giầy thêu một cách rất cầu kỳ với những đường nét tinh tế. Thông thường hình thêu trên đó là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi: đôi bướm, đôi uyên ương, hai bông hoa đào.Người Giáy dùng sợi len hoặc sợi màu đỏ, màu hồng độn với tóc vấn, gọi là “Piêm mào” và đeo chiêc túi vải; Phụ nữ Giáy dùng rất ít đồ trang sức bằng kim loại. Chỉ một chiếc vòng tay, một dây xà tích hay một vòng cổ bằng bạc là đủ.

 Với chị Vàng Thị Yến ở thôn Cóc Cài, xã Bản Qua, thì việc được mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình luôn làm chị cảm thấy tự hào, chị Yến chia sẻ: Là phụ nữ thì ai cũng yêu thích cái đẹp, tôi đặc biệt yêu thích chiếc áo truyền thống của người Giáy quê tôi. Vào các ngày lễ, hội, du xuân chúng tôi luôn lựa chọn chiếc áo mới nhất, đẹp nhất để mặc với mong muốn mọi điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người. Cũng theo chị Yến, với nhịp sống hiện đại, trang phục áo nữ Giáy đã có sự thay đổi ít nhiều, thể hiện tính thẩm mỹ tinh tế hơn, phù hợp hơn: Phụ nữ mặc áo ngắn hơn, làm gấu tay nhỏ hơn. Nếu trước kia chỉ viền áo ở phía trước ngực, thì các bạn trẻ bây giờ làm viền áo kéo dài ra phía sau tạo thành vòng tròn rất đẹp. Do ít thêu thùa nên người Giáy không tốn nhiều thời gian để may mặc, hầu hết là mua vải về tự may nên các chị, các mẹ có thêm nhiều thời gian chăm lo công việc khác. Đây cũng chính là cách người phụ nữ Giáy tiết kiệm thời gian rất hiệu quả.

anh tin bai

 Phụ nữ Giáy mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết du Xuân

 Đến với chợ phiên tại các xã Bản Vược, Trịnh Tường, Mường Hum... hoặc ngay tại chợ trung tâm thị trấn Bát Xát chúng ta đều có thể tìm thấy quầy hàng chuyên bày bán những phụ kiện, những chiếc áo may sẵn hoặc có thể lấy số đo theo yêu cầu và một cái hẹn cho phiên chợ lần sau có áo mới. Với người phụ nữ Giáy, khi khoác lên bộ trang phục của dân tộc mình trong đám đông, như: Đám cưới, mừng nhà mới, đi lễ hội, du xuân... với sắc màu của trang phục làm cho chị, em trở nên nổi bật, tươi tắn, duyên dáng càng làm cho các chị, các mẹ, các em thêm tự hào, yêu quý và gắn bó với bản sắc dân tộc mình.

Phạm Thúy – A Pìn

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1