Đoàn kết Dân tộc – Nguồn cội thành công

 

BXĐT- Kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng của Người, 73 năm qua, Đảng bộ huyện Bát Xát xác định, “Đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi trong công cuộc xây dựng và phát triển đi lên của huyện nhà. 

anh tin bai

Trao quà cho hộ nghèo trong ngày Đại đoàn kết

Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải đoàn kết đại đa số Nhân dân, mà đại đa số Nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp Nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp Nhân dân lao động khác. Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở Nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. 

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến lược Đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ huyện Bát Xát đã coi Đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo Nhân dân. 73 năm qua kể từ khi thành lập (10/10/1949) và trải qua 23 kỳ Đại hội, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, giai đoạn nào, Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Bát Xát đã coi Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của địa phương, là sợi chỉ Hồng xuyên suốt trong đường lối chiến lược của Đảng bộ. 

Đảng bộ huyện Bát Xát đã có nhiều chủ trương, quyết sách và biện pháp quan trọng để tiếp tục củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân; động viên Nhân dân phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại giữa Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát, với huyện Hà Khẩu và Kim Bình, tỉnh Vân Nam Trung quốc. Đồng thời MTTQ Việt Nam huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp Nhân dân, đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Minh chứng cho điều này, chỉ sau hơn 1 năm thành lập (10/10/1949), cùng sự chi viện của Trung ương và tỉnh, Đảng bộ huyện Bát Xát đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong huyện, anh dũng chiến đấu, giải phóng quê hương vào ngày 4/11/1950. Đồng thời chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp và tiễu phỉ”. 

Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam, Đảng bộ và Nhân dân Bát Xát cùng Nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiều cuộc vận động lớn, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Bát Xát đã đón hàng nghìn đồng bào ở miền xuôi lên xây dựng, phát triển kinh tế miền núi.

Đất nước thống nhất, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, cải tạo tập tục lạc hậu, phát triển giáo dục, phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ ở các thôn, bản. Từ chỗ chỉ có 3 đảng viên (năm 1947), lên 7 cơ sở đảng (năm 1961) với 33 đảng viên, đến nay Bát Xát đa có 4.500 đảng viên, chiếm tỷ lệ 5,76% dân số. Tất cả các thôn, bản tổ dân phố trường học, trạm Y tế đều có Chi bộ độc lập. 
Sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập (1991), huyện Bát Xát chuyển từ Bản Xèo về Bản Lợi, thành lập thị trấn Bát Xát và xây dựng trung tâm hành chính mới của huyện. Năm 1994, điện bắt đầu đến với Nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của Bát Xát đổi thay từng ngày.

anh tin bai

Mở tuyến đường đi Dền Thàng

Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới chính là một minh chứng rõ nét trong thực hiện chủ trương Đại đoàn kết ở Bát Xát. Từ mô hình thí điểm và xã Quang Kim đã trở thành xã đầu tiên của tỉnh Lào Cai đạt chuẩn xã nông thôn mới, đã cho thấy sự đồng thuận xã hội rất cao ở địa phương này. Chính sự đồng thuận của Nhân dân, đã tạo lên sức mạnh của phong trào. Nhiều tấm gương sáng trong việc hiến đất làm các công trình phúc lợi xã hội đã gây tiếng vang như: Ông Hù A Lù đã hiến 1.575 m2 đất vườn để xây dựng khu nuôi nhốt gia súc tập trung thôn Làng San 1; ông Lò Văn Phát hiến 400 m2 đất vườn để làm đường giao thông liên thôn; ông Lỳ Văn Trang hiến 560 m2 đất vườn để xây dựng phân hiệu trường mầm non thôn Vỹ Kẽm; ông Trần Quốc Tịch hiến 600 m2 đất ruộng để xây dựng chợ… và Quang Kim đã trở thành điểm sáng trên vùng biên cương Bát Xát. 

Từ chiếc nôi đầu tiên này, sau hơn 10 năm triển khai tại 20 xã, Bát Xát đã đạt 319 tiêu chí nông thôn mới, bình quân 16 tiêu chí/xã. Trong số đó có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí, không còn xã nào dưới 10 tiêu chí và đã có 34 thôn đạt thôn nông thôn mới, 30 thôn đạt thôn kiểu mẫu. Thành quả quan trọng này, được bắt nguồn từ đổi mới công tác lãnh đạo điều hành của Ban Thường vụ, Ban chấp hành, sự huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó có sự đồng thuận cao của Nhân dân. Qua đây cũng khẳng định Huyện ủy, UBND huyện Bát Xát đã có nhiều chủ trương điều hành, cơ chế hỗ trợ hợp lý, làm bà đỡ và tạo đòn bẩy cho xây dựng nông thôn mới. Cũng từ phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã khơi dậy được nguồn lực và sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân, họ đã hiến đất, hiến kế, hiến công, hiến của và làm cho diện mạo nông thôn Bát Xát hôm nay từng ngày khởi sắc. Hơn 10 năm qua, Bát Xát đã đón nhận sức dân ủng hộ chung tay của toàn dân cho xây dựng nông thôn mới (Cả tiền và hiện vật được 47.498 triệu đồng). Trong đó 19.000 triệu đồng tiền mặt, 28.498 triệu đồng từ vật liệu xây dựng; Nhân dân đã hiến trên 318.224 m2 đất và trên 113.600 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới... Và rồi trên mỗi cây số đường, mỗi công trình xây dựng nông thôn mới, đều có sự chung tay đóng góp của người dân, minh chứng sinh động của “ ý Đảng, lòng dân” được đồng thuận cao.

Việc vận dụng sáng tạo và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” ở Bát Xát cũng đã góp phần tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Trong giai đoạn 2016 – 2020 Bát Xát đã xây dựng được 215 mô hình Dân vận khéo. Trong đó có 50 mô hình về phát triển kinh tế. Điều này khẳng định chủ trương Đại đoàn kết đã thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống. Mô hình “Dân vận khéo” đã tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia giúp công, giúp của làm đường giao thông nông thôn và đã thi công được 230,03 km đường giao thông nông thôn, làm mới 2622 nhà tiêu hợp vệ sinh, 2981 chuồng trại gia súc hợp vệ sinh... Đồng thời tạo ra vùng hàng hóa chuyên canh chất lượng cao cho Bát Xát. Trong đó có vùng: Rau an toàn, cây dược liệu, vùng sản xuất Chè, Chuối, Dứa, Hoàng Sin Cô, Cây Đao riềng theo hướng tăng cường liên kết sản xuất, tạo giá trị bền vững. Phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa tạo sản phẩm đặc trưng của huyện Bát Xát. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%, đạt 65,38% KH; Tổng sản lượng lương thực đạt 48.196 tấn, đạt 100,88%KH, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 69,2 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 33,6 triệu đồng/người/năm (2021).

Vận dụng tư tưởng Đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bát Xát đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thông qua đó xuất hiện nhiều tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó là những hành động, việc làm đẹp, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống người Việt. Việc làm có sức lan tỏa lớn đó là, hàng năm Đảng bộ huyện Bát Xát chỉ đạo Mặt trận tổ quốc các cấp tổ chức ngày đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm ngày truyền thông Mặt trận dân tộc thống nhất; Tổ chức cho Nhân dân ăn Tết tập trung. Chủ trương này đã phát triển rộng khắp đến 176/176 thông bản, tổ dân phố. Mỗi năm ngân sách huyện đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho Nhân dân ăn Tết tập trung và đảm bảo tất cả các hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau. Mỗi năm Quỹ vì người nghèo của Bát Xát cũng chi hàng tỷ đồng để sửa chữa, làm mới nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, thể hiện trọn vẹn đạo lý uống nước, nhớ nguồn và tính nhân văn sâu sắc.

anh tin bai

Tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở Trịnh Tường

Những nghĩa cử cao đẹp, cũng được nhân lên bởi tình đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Tháng 8/2008 một trận lũ lịch sử rảy ra trên địa bàn huyện Bát Xát, cướp đi hơn 20 sinh mạng và làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tuyến đường chia cắt đã được nối lại thông suốt, Nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất. Từ các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện Bát Xát đã đón Nhận sự giúp đỡ trên 5 tỷ đồng bằng tiền mặt và hiện vật. Qua đây mới thấm đẫm tình người Bát Xát trong cơn lũ.

Anh Co Gió Sì thôn Lao Chải xã Trịnh Tường, đã trở thành người Hùng trên núi Nhìu Cồ San. Anh đã dũng cảm cứu được 53 người bị mắc kẹt trong tuyết trên núi thoát khỏi tử thần, khi đi sấy thảo quả vào năm 2013. Hay cộng đồng người Dao Phìn Ngan là một minh chứng của Đại đoàn kết. Từ ngàn đời nay, người Dao Phìn Ngan luôn một lòng theo Đảng, đoàn kết, thủy chung, sống có nghĩa tình, có tính cộng đồng chặt chẽ và tình làng, nghĩa xóm bền chặt. Địa phương này đã hơn 30 năm nay không có người sinh con thứ 3, là địa bàn trong sạch không có tệ nạn ma túy, không có người theo đạo trái pháp luật… Còn với cộng đồng người Hà Nhì họ đã gìn giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình và nay phát triển thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và được công nhận từ năm 2015. Đó là Lễ hội “Khô Già Già” – Một nghi lễ tạ ơn rừng thiêng, trở thành nghi lễ lớn và quan trọng trong năm của người Hà Nhì, để mỗi kỳ lễ hội là tất cả cộng đồng người Hà Nhì đều cùng tham gia.

anh tin bai

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương Sần Thó Suy (Trịnh Tường) tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chỉ thị 03/CT-TW

Hơn bao giờ hết, giữa lúc cam go, nguy hiểm của dịch bệnh covid 19, những chiến sĩ áo trắng, hay lực lượng vũ trang của Bát Xát, cùng 176 tổ covid cộng đồng thôn bản, tổ dân phố, đã lặng lẽ ngày đêm, làm việc quên mình, dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thực hiện cách lý, cung cấp thực phẩm, thuốc men, cũng như khám chữa bệnh và tổ chức tiêm phòng kịp thời cho người dân. Tinh thần đoàn kết đó, đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh và làm cho bức tranh Bát Xát hôm nay tươi sáng hơn. Và còn rất nhiều tập biểu điển hình, cá nhân tiên tiến là những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, họ đã sả thân, làm việc quân mình và chia sẻ giúp đỡ cộng đồng, với một mong muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc và vì một Bát Xát tươi đẹp và phồn vinh.

Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Với phương châm: Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Đảng bộ huyện Bát Xát đang tập trung lãnh đạo đồng bộ các giải pháp, nhằm tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong đó phát huy vai trò của MTTQ trong việc đoàn kết dân tộc, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp Nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội; chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn và động viên Nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiêu cực. Đưa Mặt trận thực sự là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh. Đảng bộ huyện Bát Xát nguyện gìn giữ và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Đại đoàn kết của Người vào thực tiễn cuộc sống và quyết tâm đưa Bát Xát trở huyện biên giới phát triển của tỉnh Lào Cai.


Thanh Loan

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1