Thênh thênh Nậm Pung
LCĐT - Nhìn đường mới thênh thang mở ra nối từ thôn Kin Chu Phìn - thôn cuối cùng của xã Nậm Pung (Bát Xát) sang xã Tả Giàng Phình (Sa Pa), anh Tẩn Sài Chiêu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung không giấu được niềm vui: Không có tuyến đường mới này thì Nậm Pung mãi mãi là “xã cụt”, đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây không biết bao giờ mới thoát khỏi đói nghèo.

Ý tưởng mở đường cho “xã cụt”

Những con đường mới đang làm thay đổi cuộc sống người dân Nậm Pung.

Ngày đầu tháng 3, dù nắng ráo nhưng tiết trời Nậm Pung vẫn còn se lạnh. Trong căn nhà gỗ ở cuối thôn Kin Chu Phìn 1, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung Tẩn Sài Chiêu rót ly rượu thóc thơm nồng. Khi nghe tôi nói về ý tưởng viết bài về cây lê Tai Nung, về tuyến đường mới từ Nậm Pung sang xã Tả Giàng Phìn, anh đưa chén rượu lên miệng rồi khà: Chuyện mình mang cây lê Tai Nung về xã Nậm Pung trồng từ cuối năm 2009 thì có lẽ nhiều người đã biết rồi, còn chuyện về tuyến đường mới này cũng là cả câu chuyện dài đấy.

Nhắc đến Nậm Pung, một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát chỉ cách xã Mường Hum chưa đầy chục km nhưng vài năm trước tên xã vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, ngay cả người dân vùng cao Bát Xát. Điều này không khó hiểu, bởi Nậm Pung không nằm trên tuyến đường liên xã vùng cao Bát Xát, mà từ Mường Hum chỉ có con đường độc đạo vào xã rồi kết thúc ở đó. Nậm Pung bao đời nay gắn liền với cái tên “xã cụt”.

Nằm trên đường cụt, nên giao thương của Nậm Pung với các xã khác rất hạn chế, đây chính là trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cách đây 5 năm, đường vào Nậm Pung vẫn là đường đất đá gập ghềnh, từ trung tâm xã vào các thôn Tả Lé, Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2 vẫn là đường đất. Nói về Nậm Pung, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm vì đường khó đi quá.

Năm 2014, đồng bào Dao, Hà Nhì ở Nậm Pung vỡ òa trong niềm vui vì tuyến đường nhựa từ Mường Hum vào trung tâm xã hoàn thành. Tuy nhiên, trong niềm vui ấy vẫn còn nhiều nỗi trăn trở. Bí thư Tẩn Sài Chiêu nhớ lại: “Muốn phá thế cô lập cho xã Nậm Pung thì phải mở thông tuyến đường sang xã khác để kết nối giao thương. Cách đây hơn 30 năm, người dân các xã vùng cao Bát Xát muốn sang Sa Pa chủ yếu vào Nậm Pung rồi đi bộ xuyên rừng sang xã Tả Giàng Phình. Nếu tính từ Mường Hum đi theo đường này sang Tả Giàng Phình chỉ gần 15 km, còn đi theo đường xuống Bản Xèo, qua Pa Cheo sang Tả Giàng Phình thì xa hơn nhiều. Vì thế, việc mở đường cho xe máy, ô tô đi từ Nậm Pung sang Tả Giàng Phình có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với Nậm Pung mà còn với nhiều xã khác như Mường Hum, Sàng Ma Sáo, A Lù, Ngải Thầu, Y Tý…”.

Ý tưởng về mở con đường cho “xã cụt” luôn thôi thúc Bí thư Đảng ủy xã Tẩn Sài Chiêu, nhưng để thực hiện cần nguồn vốn rất lớn nằm ngoài khả năng của xã nên chưa biết bao giờ mới thành hiện thực.

Biến ước mơ thành hiện thực

Câu chuyện về việc mở đường mới cho xã Nậm Pung tưởng như chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhưng ước mơ ấy như ngọn lửa không bao giờ tắt. Năm 2015, HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại cụm xã Mường Hum. Đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, Bí thư Tẩn Sài Chiêu đã phát biểu về những khó khăn của “xã cụt” Nậm Pung và sự cần thiết phải mở thông đường sang xã Tả Giàng Phình.
Bình yên bản Kin Chu Phìn 1.

Nguyện vọng tha thiết ấy đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, chẳng bao lâu có đoàn khảo sát đến làm việc tại Nậm Pung để mở đường mới. Không thể diễn tả nổi niềm vui của người dân Nậm Pung khi công trình mở đường từ thôn Kin Chu Phìn 1 (xã Nậm Pung) sang thôn Sín Chải (xã Tả Giàng Phình) dài 2,3 km được phê duyệt theo chương trình nông thôn mới, do UBND xã làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng. Chỉ sau 5 tháng, đến cuối năm 2015, tuyến đường đã hoàn thành rải cấp phối. Có đường mới, người dân Nậm Pung chỉ mất 30 phút đi xe máy là đã sang được xã Tả Giàng Phình để đến Sa Pa. Những đoàn du khách nước ngoài đầu tiên hào hứng đi từ Sa Pa sang thăm bản Hà Nhì, bản Dao ở Nậm Pung. Tuyến đường mở ra một trang mới với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Nậm Pung.

Vì sao việc thi công tuyến đường này lại diễn ra nhanh chóng và thuận lợi như vậy, trong khi liên quan đến đất của nhiều hộ? Tôi hỏi. Bí thư Tẩn Sài Chiêu nói ngay: “Việc giải phóng mặt bằng để làm đường ban đầu cũng gặp khó khăn vì tuyến đường đi qua nhiều đất rừng, đất vườn của bà con. Qua phân tích của cán bộ xã, người dân đã hiểu được lợi ích của việc mở đường mới, nên tất cả các hộ đã đồng tình hiến đất mở đường. Trên địa bàn xã có 15 hộ hiến đất với tổng số 30.000 m2, trong đó có 27.000 m2 đất lâm nghiệp và 3.000 m2 đất vườn”. Gia đình các ông Tẩn Sài Sinh, Tẩn Phù Quan, Tẩn Sài Vần, Tẩn Sài Xiên, Tẩn Kin Hin, Tẩn Láo Sử… hiến hàng trăm m2 đất. Điều đáng nói là Bí thư Tẩn Sài Chiêu chính là người tiên phong và hiến nhiều đất nhất để mở hơn 100 m đường.

Ngày mới Kin Chu Phìn

Cách đây 2 năm, đường vào thôn Kin Chu Phìn 1 vẫn là đường đá gập ghềnh, nay đã được thay bằng đường bê tông. Anh Lý Vần Thàng, Trưởng thôn Kin Chu Phìn 1 bảo: “Không chỉ riêng đường vào Kin Chu Phìn 1 thay đổi, mà năm 2018, người dân trong xã hiến khoảng 16.000 m2 đất, lấy hơn 200 m3 cát, sỏi và tham gia hơn 1.000 ngày công lao động đổ bê tông 2 km đường ngõ xóm; làm mới và chỉnh trang 30 nhà ở, xây 12 nhà tắm, 14 bể chứa nước, 10 nhà vệ sinh, 15 chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo vệ sinh… Giờ đây niềm vui được nhân lên gấp đôi vì tuyến đường từ thôn Kin Chu Phìn 1 sang xã Tả Giàng Phình đang được nâng cấp theo dự án mới”.

Thì ra, từ đầu tháng 10/2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp đường từ xã Nậm Pung, huyện Bát Xát đến xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa với chiều dài hơn 5,7 km, tổng kinh phí 18 tỷ đồng từ ngân sách tập trung, trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2020. Vậy là chẳng bao lâu nữa, một tuyến đường đẹp như dải lụa sẽ hiện hữu nơi đây, sẽ trở thành tuyến đường du lịch hấp dẫn, du khách chỉ mất 15 phút đi từ Tả Giàng Phình sang Nậm Pung thăm các bản làng, rồi xuôi xuống chợ phiên Mường Hum, ngược lên “ thiên đường mây” Y Tý…

Nậm Pung hiện có hơn 80 ha lê Tai nung.

Mấy năm trở lại đây, từ khi Nậm Pung thoát khỏi “xã cụt” đã có nhiều đổi thay rõ nét, đặc biệt là ở những thôn, bản trước đây còn heo hút như Kin Chu Phìn 1, Kin Chu Phìn 2. Dịp hè 2017, tôi có dịp trải nghiệm hái lê ở Kin Chu Phìn 1, ngắm những vườn lê sai trĩu, thử những quả lê mát ngọt ít nơi có được. Thời điểm đó con đường bê tông vào Kin Chu Phìn chưa hoàn thành mà thương lái từ Lào Cai đã lái ô tô đến tận Kin Chu Phìn thu mua quả lê với giá 30.000 đồng/kg. Vụ lê đó, người dân Nậm Pung bán được gần 40 tấn quả. Gia đình các ông Tẩn Sài Chiêu, Tẩn Sài Lù, Phú Gì Xe, Lý A Vù… bán lê thu được hàng chục triệu đồng. Bây giờ đã trở thành một vùng lê Tai Nung rộng lớn bậc nhất Bát Xát với hơn 80 ha.

Lần này đến Nậm Pung chưa vào mùa lê chín, nhưng tôi có thêm trải nghiệm thú vị khi được thăm trại nuôi cá hồi đầu tiên ở đây. Những con cá hồi, cá tầm được nuôi bởi nguồn nước mát lạnh từ núi cao chảy xuống sinh trưởng rất tốt, thịt cá đỏ cam, vị rất thơm ngon. Qua mấy năm thử nghiệm thành công, đến nay trại cá hồi ngày càng mở rộng với hệ thống hàng chục bể cá lớn nhỏ. Không chỉ ở Kin Chu Phìn 1, mà vào thôn Kin Chu Phìn 2 đã thấy có hộ đồng bào người Dao đang đầu tư xây bể nuôi cá hồi để nâng cao thu nhập.

Trong tương lai không xa, khi tuyến đường từ Nậm Pung sang Tả Giàng Phình hoàn thành nâng cấp, đường vào thôn Kin Chu Phìn 2 được kiên cố hóa, chắc chắn Nậm Pung sẽ đón thêm nhiều du khách đến tham quan bản làng, hái lê, ở lại bản Hà Nhì thưởng thức đặc sản cá hồi, lợn cắp nách, rượu thóc Nậm Pung. Những tuyến đường thênh thang đã và đang mở tương lai tươi mới để đời sống bà con thêm ấm no, vùng đất này thêm tươi đẹp.

Theo baolaocai.vn

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1